Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, April 7, 2011

Vấn nạn mới ở Fukushima: Tử thi bị nhiễm xạ và nổ khí hydrogen

TOKYO - Theo bản tin của hãng thông tấn AP, sau khi thực hiện được thành công hiếm hoi, đó là ngăn chặn nước có nhiễm phóng xạ cao chảy ra Thái Bình Dương hôm Thứ Tư, công nhân nhà máy điện nguyên tử bị động đất và sóng thần tàn phá đang đối phó với hai vấn nạn mới: ngăn khí hydrogen tích tụ không bị nổ, đồng thời giải quyết các tử thi bị nhiễm xạ tìm thấy ở gần nhà máy.

Theo giới hữu trách nguyên tử, nguy cơ khí hydrogen nổ chưa đến mức cận kề như ba vụ nổ xảy ra không lâu sau khi sóng thần tàn phá nhà máy vào hôm 11 Tháng Ba.

Các công nhân chạy đua với việc làm nguội các lò phản ứng nguyên tử của nhà máy, do hệ thống làm mát bị nước làm hỏng, không phục hồi lại được và phóng xạ bị rò rỉ khiến tình trạng làm việc càng thêm khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi các máy bơm nước đã tái hoạt động, họ lại để cho nước mặc sức muốn tuôn đi đâu thì tuôn.

Theo nguyên tắc, các thanh nhiên liệu cực nóng có khuynh hướng lôi kéo khí hydrogen dễ bùng nổ từ nước dùng để làm nguội chúng, do vậy nỗi lo lắng hiện thời là càng bơm nhiều nước vào lò phản ứng, mức độ hydrogen tích tụ càng cao.

Lúc 1 giờ 31 sáng Thứ Năm, khí nitrogen, có tác dụng trung hòa khí hydrogen, bắt đầu được bơm vào khu vực chung quanh một trong sáu lò phản ứng nguyên tử của nhà máy. Ông Makoto Watanabe, phát ngôn viên Cơ Quan An Toàn Kỹ Nghệ và Nguyên Tử Nhật, giải thích, việc làm này để ngăn ngừa một vụ nổ hydrogen mà hậu quả có thể làm lan tràn phóng xạ nguyên tử, đồng thời gây hư hại nặng hơn cho các lò phản ứng.

Tuy nhiên, việc bơm khí nitrogen lại có cái giá của nó, nhưng lại được cơ quan nguyên tử năng chấp nhận, vì đây là biện pháp cần thiết giúp tránh được nguy hiểm. Việc bơm khí nitrogen có thể làm hơi phóng xạ thoát ra ở môi trường chung quanh, nhưng dân chúng ở bán kính 12 dặm quanh nhà máy đã được di chuyển ra xa hết rồi.

Theo MSNBC, gần nhà máy Fukushima, khoảng 1,000 xác chết do thảm họa sóng thần vẫn chưa được thu dọn vì tất cả có thể đã bị nhiễm phóng xạ nguyên tử.

Sau khi người thân bị thiệt mạng do sóng thần và động đất, hầu hết người Nhật đều cho hỏa thiêu theo nghi thức truyền thống, rồi sau đó đem đặt tro cốt nằm chung với những người quá vãng khác. Tuy nhiên, các tử thi ở gần nhà máy đã bị nhiễm phóng xạ, khiến việc giải quyết hoặc di chuyển những xác này trở nên vô cùng nguy hiểm.

Gần một tháng sau cuộc thảm họa, việc khử độc xác chết để dọn cho nhanh trở thành điều bất khả thi.

Cho dù chính quyền Nhật đã có kế hoạch đối với những tử thi nằm trong vùng nguy hiểm “hot zone,” họ vẫn giữ kín không công bố trước công chúng. Hai bộ chịu trách nhiệm việc giải quyết tử thi các nạn nhân là Bộ Y Tế và Bộ Lao Ðộng và Phúc Lợi từ chối thắc mắc của MSNBC khi trang mạng này nêu lên một số câu hỏi về vấn đề này.

Vấn đề giải quyết an toàn đối với các tử thi không cho phép thực hiện nghi thức hỏa thiêu theo truyền thống của người Nhật. Ðiều này là một cú sốc khác đối với dân chúng, vốn đã chịu đựng những mất mát do động đất, sóng thần và di tản do khủng hoảng phóng xạ ở nhà máy điện nguyên tử bị hư hại.

Theo qui định quốc tế, một số phương thức được đặt ra để giải quyết mọi chất bị nhiễm phóng xạ, trong đó có xác chết.

Cẩm nang dày 1,000 trang do Hội Ðồng Quốc Gia về An Toàn Phóng Xạ Hoa Kỳ (NCRS) công bố, kể cả bản chỉ dẫn tương tự của Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh, trong đó có khuyến cáo tuyệt đối không được hỏa thiêu vật bị nhiễm xạ, mà phải đựng trong một hộp chứa niêm kín có in ký hiệu coi chừng phóng xạ và được đem chôn sâu dưới đất.

Tuy nhiên, cẩm nang của cơ quan NCRS có miêu tả chi tiết một phương thức tẩy nhiễm tử thi, khiến việc hỏa thiêu được an toàn hơn, miễn là tử thi chỉ bị nhiễm xạ ngoài da mà thôi, như trường hợp nạn nhân ở Fukushima.

Bà Kathryn Higley, trưởng phân khoa Kỹ Sư Nguyên Tử và Vật Lý Phóng Xạ thuộc trường Oregon State University, giải thích: “Nếu tử thi chỉ bị nhiễm xạ ở phía ngoài, thông thường chỉ cần rửa sạch và quăng bỏ hết quần áo vì đây là thứ nhiễm xạ nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với xác chết đã thối rữa thì đó lại là vấn đề hết sức phức tạp.”

Một thông cáo báo chí ở Nhật cho thấy, một công nhân thiệt mạng ở nhà máy nguyên tử, từng bị nhiễm phóng xạ nhưng đã được hỏa táng.

Nhiều báo cáo khác cho rằng việc tẩy nhiễm đã trở nên không còn thực tiễn nữa, hoặc bất khả thi trong một số trường hợp.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật loan tin, cảnh sát Fukushima ngưng thu dọn xác chết vào hôm 27 Tháng Ba, sau khi đo thấy mức phóng xạ ở tử thi của một người đàn ông hết sức cao.

Theo tín ngưỡng của người Nhật theo Phật Giáo, hỏa thiêu giúp người chết được giải nghiệp để có thể tiếp tục đầu thai qua kiếp khác. Ngoài ra, người Nhật còn có truyền thống chôn chung người trong gia đình, dòng họ gần với nhau.

Chính phủ Nhật đang bận tâm giải quyết cuộc khủng hoảng các lò phản ứng nhà máy Fukushima, nay sẽ gặp rắc rối thêm nếu không chịu giải quyết mối quan ngại nêu trên của người sống sót.

No comments:

Post a Comment