Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 10, 2011

Thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo

Thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo để tạo hiệu quả hơn và phân chia lợi nhuận tương xứng, Việt Nam không còn chọn lựa nào khác trong thời kỳ hội nhập dù đang xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm.“Làm ăn kiểu mới nông dân lãi lớn” là tựa bài của báo Tuổi Trẻ Online mô tả mô hình liên kết sản xuất đầu tiên ở An Giang, nơi vài trăm nông dân ở xã Vĩnh Bình huyện Châu Thành gom một ngàn héc-ta ruộng để sản xuất tập trung theo hợp đồng với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang.


Công ty này đầu tư tại chỗ một nhà máy xay xát công suất 1.000 tấn/ngày, nhà máy có công nghệ lau bóng, tách màu và vô bao xuất khẩu. Mô hình hợp tác ở đây có thể xem là khá tiến bộ, công ty ứng trước lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu không tính lãi và cử cán bộ trực tiếp xuống tận đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa sạch để có thể bán giá cao.


Hoạt động sản xuất liên kết này được gọi là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; vụ đông xuân thu hoạch những ngày đầu tháng Tư đem lại kết quả đầy phấn khởi, năng suất bình quân ở cánh đồng lớn đạt 8 tấn/ha, nhờ sản xuất liên kết từ lúc xuống giống tới khi thu hoạch, chế biến và xuất khẩu nên lợi nhuận của nông dân ở “cánh đồng mẫu lớn” trong vụ này đạt tới mức 200%, nếu làm cá thể nhỏ lẻ giá thành sản xuất lên tới 3.300đ/kg lúa thì ở “cánh đồng mẫu lớn” này chỉ tốn 2.200đ.


Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang đã mua lúa cho nông dân liên kết với giá từ 6.300đ/kg tới 6.700đ/kg do sản phẩm đồng nhất về chất lượng chung một loại giống. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang xác định rằng, ở thời điểm bán lúa nếu nông dân chưa muốn bán thì có thể gởi kho miễn phí trong một tháng.


Khái niệm mở về tiêu thụ
Từ thành công của mô hình sản xuất lúa tập trung ở An Giang, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã phát động chương trình “cánh đồng mẫu lớn” trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, khởi sự ngay từ vụ hè thu sắp tới. Mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một cánh đồng mẫu lớn như ở An Giang để từ đó mà nhân rộng ra.


Nam Nguyên phỏng vấn ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang phụ trách nông nghiệp, để tìm hiểu về mô hình sản xuất tập trung “cánh đồng mẫu lớn”, trước hết ông Năng cho biết về những điều kiện cần hội đủ để tổ chức liên kết sản xuất tập trung.


Ô. Huỳnh Thế Năng: Có thể nói khái niệm diện tích nhỏ của từng hộ và cánh đồng lớn là khái niệm của Bộ NN - PTNT. Còn ở đây, chúng tôi đang kiên trì một mô hình gọi là cụm dịch vụ lúa gạo chung quanh một cánh đồng sản xuất lúa gạo, có thể gọi là vùng nguyên liệu của cụm dịch vụ sản xuất lúa gạo.


Khâu quan trọng nhất cho tính cách thành bại là sự đề xuất và hưởng ứng của doanh nghiệp trong chủ trương sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.


Nam Nguyên: Thưa ông, như vậy phải có doanh nghiệp tham gia để cung ứng vật tư như giống, phân bón, thuốc sâu… và đặc biệt là khâu bao tiêu sản phẩm. Trước khi xuống giống, chưa thể tiên đoán giá cả khi thu hoạch, làm thế nào để cam kết giá, điều này có thể dẫn tới vi phạm hợp đồng?


Ô. Huỳnh Thế Năng: Có thể nói chúng tôi tiếp cận và trả lời hai câu hỏi từ thực tế của sản xuất của người nông dân. Câu hỏi thứ nhất là, làm sao cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào cho người nông dân với giá ổn định nhất và chất lượng được đảm bảo tuyệt đối.


Câu hỏi thứ hai là làm sao tiêu thụ được sản phẩm cho người nông dân. Chúng tôi không dùng khái niệm bao tiêu sản phẩm, khái niệm này chả có lợi ích gì. Vấn đề tiêu thụ là một khái niệm mở, nó gắn chặt trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt quá trình nông dân thu hoạch.


Ở tại mô hình này tạo ra một điều kiện mà chúng tôi gọi là điều kiện để người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán. Khi lúa được đưa đến kho được đo độ ẩm, xác định được khối lượng thì người nông dân có quyền bán hoặc gởi lại kho trong một tháng mà không phải tính tiền lưu kho. Nếu giá cả vẫn chưa thuận để bán, người ta vẫn cho gởi lại kho nhưng nông dân phải chịu chi phí.


Vấn đề này trong điều kiện cần thiết thì chính phủ có thể tác động thêm, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ thì hỗ trợ người nông dân với những danh sách rõ ràng cụ thể để tránh gian lận và minh bạch hóa vấn đề chính phủ hỗ trợ nông dân.


Nam Nguyên: Ông vừa nói ra những điều rất độc đáo và mới lạ ở Việt Nam. Hiện nay mọi việc thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất. Tuy vậy ẩn số về thị trường xuất khẩu hiện diện mỗi mùa vụ, vấn đề này được nhìn nhận thế nào khi rộ lên phong trào làm ăn kiểu mới?

Ô. Huỳnh Thế Năng: Thay vì nói An Giang đi đầu với mô hình, nên cho là ở An Giang đang hình thành một bước. Có thể nói điều quan trọng nhất là làm sao để mô hình này tác động tạo ra sự học hỏi cho các doanh nghiệp, để tổ chức ngày càng rộng lớn thì nó mới có ý nghĩa hơn là chúng ta cứ ca ngợi một mô hình nhỏ bé này, trong điều kiện gần 2 triệu héc-ta diện tích canh tác lúa của đồng bằng sông Cửu Long.


Nam Nguyên: Ông có nói là phải tính toán theo chuỗi giá trị từ lúc xuống giống ở chỗ nông dân rồi qua các khâu trung gian tới khi gạo được xuất khẩu, lợi nhuận sẽ phải được phân chia tương đồng. Điều này được các chuyên gia đề cập nhiều, nhưng vấn đề này là rất khó thực hiện ở Việt Nam.


Ô. Huỳnh Thế Năng: Nếu chính quyền một tỉnh vùng lúa nào đó ủng hộ và có một doanh nghiệp đi trước giống như Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, thì tôi tin chắc rằng mô hình này sẽ được mở rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Tương lai của nó chẳng những đem lại lợi ích mà còn là sự chia sẻ rủi ro giữa người trồng lúa và người tổ chức thu mua chế biến để tiêu thụ và xuất khẩu.


Nam Nguyên: Điều rất quan trọng là doanh nghiệp phải có vốn lớn để đầu tư kho tàng, ứng trước vật tư nông nghiệp cho nông dân, đối với An Giang thì mô hình đã thành công nhưng câu chuyện này không đơn giản với diện tích mỗi vụ lúa lên tới 1,6 triệu ha ở ĐBSCL?


Ô. Huỳnh Thế Năng: Tôi nghĩ có hai tác động ngược chiều nhưng nó cùng thuận lợi cho mục tiêu đặt ra. Thứ nhất chính phủ đã có chương trình 4 triệu tấn kho cho vùng sản xuất lúa, việc này các doanh nghiệp đang tổ chức và triển khai với thái độ rất tích cực và khẩn trương.


Điểm thứ hai là kể từ 1/1/2011 thì các doanh nghiệp kinh doanh lương thực của nước ngoài có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Điều này có vẻ như là tác động ngược chiều nhưng nó lại thúc giục các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lúa gạo phải có ý thức. Nó cũng thúc đẩy một điều kiện chung triển khai các mô hình có lợi tạo ra sự bền vững của chính các doanh nghiệp, dẫn tới cái tác động chung cho chuỗi giá trị mà chúng tôi đang đề xuất và mong đợi sẽ được hưởng ứng rộng rãi hơn.


Vừa rồi là ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang phụ tránh lãnh vực nông nghiệp trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên.


Cần tạo niềm tin cho nông dân
Dù là liên kết nông hộ nhỏ để tạo ra cánh đồng lớn theo khái niệm của Bộ NN - PTNT hay theo cách gọi của An Giang là mô hình vùng nguyên liệu của cụm dịch vụ sản xuất lúa gạo thì ngoài các yếu tố liên quan tới doanh nghiệp, vai trò của nông dân rất quan trọng, đặc biệt là để tạo niềm tin cho họ.


Trước đây nhiều mô hình sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã bị thất bại vì nông dân phá hợp đồng đem lúa bán cho thương lái khi thị trường biến động, hoặc doanh nghiệp bỏ chạy khi thị trường mất giá quá lớn. Chúng tôi nêu câu hỏi này với một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và được ông trả lời:


“Nếu mà mình có tham gia thì hợp đồng phải đâu ra đó rõ ràng hai bên, thường thương bên doanh nghiệp hay ép người nông dân có lợi cho doanh nghiệp, chứ không lợi cho nông như dạng hợp đồng mấy năm vừa qua. Nếu muốn tạo lòng tin thì hợp đồng phải nói rõ hai bên cùng chịu trách nhiệm.


Nếu bên doanh nghiệp‘chặt’thì phải bồi thường như thế nào, nông dân cũng vậy. Bây giờ có cái liên kết thì làm ăn chắc chắn hơn, chứ mấy năm nay ông doanh nghiệp có vốn lấy thịt đè người, hợp đồng có lợi cho mấy ổng còn nông dân thì bị bó tay.”


Về tính cách pháp lý đối với vấn đề nông dân sản xuất theo hợp đồng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM giải thích:


“Đây là một thỏa thuận dân sự phải được hai bên thỏa thuận với nhau, trong đó có sự ràng buộc nếu một bên vi phạm hợp đồng thì phải chịu phạt, sự tranh chấp phải do tòa án giải quyết. Đặc biệt nông dân là những người yếu thế cho nên khi giải thích quan hệ hợp đồng thì phải theo hướng có lợi cho người yếu thế. Đó là nguyên tắc hợp đồng trong dân sự.”

Sau khi thông tin về phương cách làm ăn kiểu mới ở An Giang được phổ biến rộng rãi, theo Tuổi Trẻ Online nhiều tỉnh và doanh nghiệp loan báo sẽ nhập cuộc tổ chức cánh đồng lớn như mô hình 1.000 ha ở An Giang. Tờ báo trích lời TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định rằng: “Phải nhanh chóng chuyển sang sản xuất lớn để tiếp tục duy trì vị thế của một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Và không có cách nào khác là nông dân phải liên kết lại, góp đất với những hộ kế bên hình thành những cánh đồng lớn hàng ngàn héc-ta. Khi đó máy cày, máy gặt đập liên hợp…mới hoạt động hiệu quả.”


TS Phạm Văn Dư cho rằng, việc duy trì sản xuất nhỏ là tự làm khó mình. Ông mơ ước đến một ngày mà nông dân đồng ý bỏ luôn các bờ ruộng phân chia giữa các hộ, để đồng bằng sông Cửu Long thật sự có những cánh đồng thẳng tắp tới chân trời, Nhà nước sẽ sử dụng thiết bị định vị vệ tinh để xác định ranh giới ruộng đất của mỗi hộ nông dân.


Câu chuyện đó có thể còn quá xa, nhưng trong lúc này nếu đồng bằng sông Cửu Long tổ chức được vài trăm cánh đồng lớn sản xuất liên kết tập trung, nâng cao phẩm chất hạt gạo và phân chia lợi nhuận tương xứng cho nông dân, thì đã có thể xem đây là sự thay đổi tư duy quan trọng nhất trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment