Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, April 7, 2011

Người đâu? Người đây!

Lâu nay, đọc báo nhà nước thấy “nhà nước ta” cứ than thở không đủ người làm việc, không đủ cán bộ chống buôn lậu bảo vệ nền kinh tế nước nhà, bảo vệ tính mạng người dân mà thấy thương “nhà nước ta” đáo để.

Nào là: “Càng gần Tết, hàng lậu bắt không xuể bởi lực lượng chức năng không đủ người để ngăn chặn tất cả các hướng xâm nhập của dân buôn lậu” (Buôn lậu nóng vùng biên- Báo Tuyên Quang, 30/12/2010). Rồi “2 tháng cuối năm Âm lịch là thời điểm hoạt động nhộn nhịp nhất của dân buôn lậu. Vì món lời lớn, dễ tiêu thụ nên họ đã bất chấp pháp luật để làm liều. Các cơ quan chức năng luôn kêu ca không đủ người để kiểm soát buôn lậu” (Thể Thao&Văn Hóa, 21/1/2011).

Ở biên giới Tây Nam, xăng dầu thoải mái xuất lậu ồ ạt sang bên kia biên giới mà “nhà nước ta” thì bó tay, bắt xăng lậu như bắt cóc bỏ dĩa.

Không phải là cán bộ loại xoàng “kêu” thiếu người chung chung, mà là “quan chức đáng kính” hẳn hoi “kêu” nhé. Ông Phùng Quang Hội, chi cục trưởng Chi Cục Hải Quan Tân Thanh nói: “Tôi vừa phải phải tăng cường 5 cán bộ chi viện cho Cốc Nam. Thiếu cán bộ quá. Cửu vạn hàng lậu thì nhiều, ‘chim lợn’ thì lắm. Anh em ‘trần mình’ rét mướt để đấu tranh nhưng cũng không thể ngăn chặn triệt để” (Gia Ðình, 28/01/2011).

Ðây là nói về mặt trận chống buôn lậu các loại ở khu vực biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Thời gian gần đây, không ít vụ tai nạn đường sắt thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đã xảy ra, nhưng việc ngăn chận, phòng ngừa tai nạn trong thời gian tới thì... phó mặc cho trời. Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng ban An Toàn Giao Thông Ðường Sắt Tổng Công Ty Ðường Sắt VN nói: “Dù biết nguyên nhân chủ yếu của tai nạn đường sắt xuất phát từ đường ngang bất hợp pháp, nhưng nếu chỗ nào cũng lập rào chắn thì ngành đường sắt không đủ người” (Tuổi Trẻ, 1/4/2011).

“Một nguyên nhân khác cũng tạo điều kiện cho rác công nghiệp nhập ồ ạt vào nước ta ở sự quá mỏng lực lượng cảnh sát môi trường, hải quan không đủ người, cộng với sự thiếu thốn phương tiện kiểm tra” (Dân Việt, 25/10/2011).
Ðại khái là mỗi khi làm chuyện gì vì lợi ích của dân thì các quan kêu: Thiếu người làm nên tình hình mới tệ như vậy. Chúng tôi cũng muốn làm đúng pháp luật nhưng lấy đâu ra người làm. Người đâu?

Cứ tưởng “nhà nước ta” thật sự thiếu người làm việc công ích (được trả lương đàng hoàng), thôi tự an ủi nhau cố gắng lạc quan yêu đời dù cho phải mua hàng dỏm nhập lậu, dù phải chịu “sống chung với rác,” dù mỗi ngày ra đường là một cuộc chơi “Vượt lên tử thần”... nhưng biết làm sao được. Dân Việt Nam phải hiểu và thông cảm với “nỗi khổ” của “nhà nước ta” vì thiếu người làm việc mà.

Thế nhưng, qua những phiên tòa được ghi rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử là “xét xử công khai” của “nhà nước ta” thời gian gần đây thì thực tế không phải như vậy. Từ vụ án của blogger Ðiếu Cày năm 2008, vụ án 8 giáo dân Thái Hà năm 2009, vụ án của Luật Sư Lê Công Ðịnh năm 2010, vụ án các giáo dân Cồn Dầu năm 2010, và ngày đám tang ông Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội)... Mới nhất là vụ xử ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội ngày 4 tháng 4, 2011, cho thấy thực tế lực lượng chìm nổi của “nhà nước ta” bên ngoài Tòa án rất hùng hậu, “đông như rươi” với đủ loại binh chủng. Còn bên trong phòng xử, ngoài lực lượng bảo vệ mặc sắc phục, ngoài vợ ông Vũ là thân nhân duy nhất của bị cáo được phép vào phòng xử, thì những người mặc thường phục ngồi đầy kín phòng xử cũng đều là “phê ta” được chọn lọc kỹ càng để vào đấy cả, phóng viên “lề phải,” phóng viên quốc tế (được phép) vào phòng kế bên phòng xử để xem “truyền hình chất lượng kém” thì đố có thằng dân đen nào lọt vào được.

Bà Nguyễn Thị Dương Hà nói: “Bản thân tôi, vợ của Cù Huy Hà Vũ, tôi là người duy nhất trong gia đình được có mặt trong phiên xử hôm nay. Cả dòng tộc nội, ngoại, Cù Huy hay Ngô Xuân, không một ai được phép vào dự phiên xử gọi là công khai. Ðây là điều hoàn toàn vi phạm về tố tụng. Bản thân tôi ngồi trong phiên tòa cũng có một cô đeo biển số 47. Cô này tự nhận là công an được trao nhiệm vụ giám sát tôi. Tôi có nói với cô ấy rằng: ‘Tôi có phải là phạm nhân đâu mà giám sát tôi?’ Tôi muốn nói rằng, động vào chỗ nào là chỗ ấy là vi phạm về tố tụng, vi phạm pháp luật.”

Các phiên xử trước đó (những vụ được liệt kê ở trên) “thành phần tham dự” bên trong lẫn bên ngoài tòa án cũng đều như thế.

Cứ nhìn vào các bức hình, video được “phóng viên nhân dân” post lên mạng Internet mà xem. Hình ảnh, phim phèo cho thấy “lực lượng ta” hoàn toàn dư dư quân số, dư khả năng (gồm con người, vũ khí, phương tiện hỗ trợ, xe cộ, chó nghiệp vụ, máy phá sóng...) bao vây, trấn áp, khủng bố đám đông quần chúng cả mấy ngàn người dân muốn tham dự phiên tòa hay đưa tiễn người quá cố chết oan ức về nơi an nghỉ cuối cùng.

Máy móc của “lực lượng ta” thừa khả năng làm “ngủm củ tỏi” tất cả các USB 3G của toàn bộ đám nhà báo “lề phải” được vào bên trong phiên tòa thì mấy cái máy định vị GPRS bọn buôn lậu dùng để báo động chả là cái thá gì so với các phương tiện hiện đại được bố trí vây quanh Tòa án của “nhà nước ta.”

Thông tin từ gia đình Luật Sư Lê Quốc Quân và Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn tại Hà Nội cho biết hai ông bị bắt giữ và khám xét nhà vì hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” ở khu vực tòa án (nơi xét xử ông Vũ). Nếu quả thật ông Quân, ông Sơn có phạm tội đó, thì tài sản cá nhân và nhà của 2 ông liên quan gì đến hành vi phạm tội đó mà “người nhà nước” phải xông vào lục soát?

Kết quả thấy rõ ràng là “lực lượng ta” đã “thành công tốt đẹp,” “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ngăn cản đám đông thường dân này, khiến cho bọn chúng không thể nào tiếp cận hàng rào tòa án, nói gì đến vào phòng xử, còn bên trong thì “quân ta” làm chủ tình hình, hễ khi nào “phe ta” nói thì dàn loa phát âm thanh tốt, còn bị cáo và luật sư của bị cáo nói thì “âm thanh bị trục trặc,” bọn bên ngoài đếch biết bên trong nói cái gì, “phe ta” tha hồ viết bài (láo khoét) đăng báo vung vít.

Ðó là chưa liệt kê hết tổng số cái loại “được trả lương” để suốt ngày mặc đủ kiểu thường phục, đội nón sùm sụp, đeo kính che mặt... ngồi rình quanh tư gia những người Việt Nam hay “vạch áo nhà nước ta cho dân xem mụt ghẻ.” Mỗi “ca rình” ít nhất 2 tên, một ngày 24 giờ vị chi có ít nhất 6 tên, nhân cho số “tư gia đặc biệt” sẽ có cả trung đoàn chứ chẳng chơi.

Ðến đây thì rõ rồi, quý vị quan chức có trách nhiệm chống buôn lậu, quý quý vị có trách nhiệm chống rác lậu, quý vị có trách nhiệm bảo vệ môi trường, quý vị có trách nhiệm bảo vệ đường sắt... Xin quý vị đừng có lên báo mà kêu ca điệp khúc “thiếu người” nữa. Làm gì có chuyện thiếu người, dư người nữa là đằng khác. Người ở đây chứ ở đâu, quý vị cứ việc đến ngay các phiên tòa, hay đến các “tư gia đặc biệt” thì sẽ thấy có ối “người nhà nước” ăn tiền dân rồi vô công rỗi nghề ngồi rình mò xung quanh suốt ngày. Quý vị cứ bảo bọn họ đi canh gác biên giới, canh gác những doanh nghiệp thích xả thải ẩu, canh gác đường tàu... sẽ có ích nước lợi dân hơn nhiều, lại được dân khen, chớ đi làm chi mấy chuyện rình mò, đàn áp dân chúng kiểu xã hội đen chỉ tổ phải chui rúc giấu mặt thiệt là cực khổ.

Cần nhấn mạnh rằng mấy cái việc cản trở người dân tham gia phiên tòa công khai, cướp đoạt tài sản hợp pháp của công dân (điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm, USB...), cản trở báo chí tác nghiệp, cản trở người ta dự đám tang, hay rình rập nhà dân... đều là hành vi trái pháp luật Việt Nam và trái với các công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết. Ðiều phi lý ở Việt Nam hiện nay là làm việc ích quốc lợi dân, làm việc đúng pháp luật thì thiếu người, không có người, nhưng làm việc trái pháp luật thì “nhà nước ta” lại quá dư thừa người.

Chính cán bộ, quan chức “nhà nước ta” còn lên báo tự nhận xét về mình là: “Nói một đàng làm một nẻo.” Ngày xưa, ông cha người Việt có câu: “Miệng quan trôn trẻ” tuy xưa lắc xưa lơ, nhưng đến giờ chẳng hề thấy lạc hậu gì hết, mà xem chừng câu này càng ngày càng trở thành “hot thành ngữ” nữa á!

No comments:

Post a Comment