Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, April 10, 2011

Một ngày 'mạo hiểm' trên hàng không mẫu hạm USS Stennis

Bốn giàn phóng trên một boong tàu
Theo chân người hướng dẫn, chúng tôi leo xuống những bậc thang hẹp và rất dốc để đến phòng tiếp tân, nơi một số thủy thủ đã chờ sẵn, với cà phê, trà, bánh ngọt, một ít thức ăn nhẹ, và nhất là trái cây tươi, rất tươi.


Vừa nghỉ giải lao, vừa nghe tóm tắt về chương thăm mẫu hạm, chúng tôi sau đó được đưa về phòng nghỉ trong khu gọi là “state room.” Nam nữ phải ở khu riêng biệt.

Sở dĩ được gọi là “state room” là vì ở đây phòng rộng rãi hơn, cứ hai người một phòng, (so với chỗ ở của binh sĩ, có khi một phòng chứa 4 đến 6 người).

Chị Janine và tôi ở cùng phòng. Sau khi chia nhau chiếc giường chồng, trên để sẵn cặp khăn tắm mầu xanh đậm thêu logo USS Stennis, tôi nhìn quanh quất
Hành lý đã được ai mang vào phòng để sẵn. Trên chiếc bàn nhỏ làm việc, có hai manila folders chứa đựng thông tin về USS Stennis, lời chào mừng của ba lãnh đạo cao cấp nhất của mẫu hạm là Captain Ronald Reis, Commanding Officer; Captain Michael Wettlaufer, Executive Officer và Command Master Chief Stanley L. Jewett.

Ngoài chiếc lavatory rửa mặt, trong phòng còn có một tivi, và một tủ quần áo, trong treo sẵn hai cái robe mầu xanh đậm dầy và êm, rất đẹp, cũng thêu logo USS Stennis.

“Họ chu đáo thật!” Tôi nhủ thầm.

Hơi mệt, chúng tôi bảo nhau là ước chi có đủ giờ để được đặt lưng xuống nghỉ một chút, nhưng chương trình tham quan đặc kín chắc không cho phép.

Ðúng thế! Hải Quân Hoa Kỳ không chỉ chu đáo mà còn tổ chức rất chặt chẽ nữa!
Ðúng hai mươi phút sau, có tiếng gõ cửa nhẹ. Một nhân viên ban tiếp tân, đúng giờ hẹn, đã đến đón chúng tôi đi chuẩn bị ra sân bay chứng kiến tận mắt cảnh các chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh cùng với những nhân viên điều động sự vận chuyển của các phi cơ trên sân bay mênh mông, lộng gió.

Lại thêm một lần mặc quần áo an toàn, cũng áo nổi, đầu đội mũ cứng, bảo vệ đôi tai, kính che mắt, nhưng lần này chúng tôi có thêm bộ găng tay da rất dầy.

Leo trở lại những bậc thang dốc lúc nãy, chúng tôi bước ra sân bay.

Gió thổi phần phật như muốn đẩy người chúng tôi về phía sau, nhưng hình như đã quen rồi, vì tiếng động cơ gào thét chung quanh lần này không làm chúng tôi chùn bước như lúc mới hạ cánh.

Vĩ đại quá, chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều phi cơ và nhiều phi công tập trung ở cùng một chỗ đến thế. Người hướng dẫn đưa chúng tôi đến phía bên trái sân bay. Bên phải là một hàng máy bay chờ cất cánh.

“Sân bay của một hàng không mẫu hạm là nơi nguy hiểm nhất thế giới!” Hướng dẫn viên nói, rồi giải thích:

“Sân bay có 4 giàn phóng, nghĩa là 4 máy bay có thể được bắn vút đi cùng một lúc.”

Không những thế, các chiến đấu cơ liên tục thay phiên nhau hạ cánh, xen giữa những chuyến C2-A chở người và vật liệu đến hay rời khỏi mẫu hạm, như chuyến đưa chúng tôi đến cách đây vài giờ.

Ðiều khiển cho những chuyến máy bay này lên xuống nhịp nhàng quả không phải là một việc đơn giản. Chúng tôi chợt hiểu lý do tại sao trong số 5000 lính hải quân các cấp đang có mặt trên tàu, 2000 người làm việc cho “air wing” tức liên quan đến không lực của hải quân.

Những phi cơ liên tục hạ cánh này ở đâu đến và bay đi đâu?

“Không đi đâu cả, họ cứ bay đi và vòng lại trong cuộc thao diễn, để thực tập.” Hướng dẫn viên cho biết, các phi công của Hải Quân còn thực tập bay đêm nữa.

Rời sân bay, chúng tôi trở về phòng tiếp tân để được tiếp xúc với Captain Michael Wettlaufer, Executive Officer của mẫu hạm USS Stennis, cánh tay phải của Captain Ronald Reis mới nhậm chức vào ngày 18 tháng 3 vừa qua, và là lãnh đạo cao thứ hai của USS Stennis.

Captain Michael Wettlaufer đón phái đoàn khách danh dự trong chiếc áo thung đỏ, đồng phục của đội ngũ lo chuyển vận vũ khí của mẫu hạm. Ðiểm khác nhau duy nhất của áo ông với những thủ thủy khác là trên ngực áo ông có chữ EO rất to.

Ông cho biết là mỗi ngày ông luân phiên đổi mầu áo theo những đội ngũ khác nhau trên tàu, một cử chỉ biểu hiện cho sự “đồng cam cộng khổ.”

Giới thiệu về hoạt động của tầu, ông nói:

“Sau khi đã tuyển mộ được các thanh niên, chúng tôi có bổn phận phải huấn luyện sao cho họ đi được theo ngành mình ưa thích, để có thể phục vụ quân đội một cách hữu hiệu.”

Ðiều khó nhất, theo ông là phải đối diện với sự vô cảm. Vì thế cơ cấu tổ chức và chương trình huấn luyện của Hải Quân Hoa Kỳ rất để ý đến tâm lý của các tân binh.

Ông giải thích:

“Nhiều tân binh ghi danh nhập ngũ mới 17, 18 tuổi. Họ chỉ nghĩ vào đây vui vì được theo tàu đi chu du khắp thế giới, và chưa biết mình muốn gì.”

Cũng theo lời Captain Michael Wettlaufer thì điều khiển một chiếc tàu với khoảng 5000 người cũng như điều khiển một cơ sở thương mại, phải làm sao động viên được tinh thần của binh sĩ thì mới thành công.

Ngoài trách nhiệm với các binh sĩ và quân đội, trách nhiệm của chúng tôi với người dân Hoa Kỳ là phải làm sao dùng tiền đóng thuế của họ một cách hữu hiệu, và “trả về cho Hoa Kỳ những cựu binh sĩ hải quân những người có khả năng chuyên môn, tóm lại hữu ích cho xã hội.”

Sau buổi ăn tối rất ngon miệng trong không khí ấm cúng của phòng ăn dành cho sĩ quan, chúng tôi được đi thăm mẫu hạm.

Dù đã được báo trước, chúng tôi vẫn không thể hình dung là hàng không mẫu hạm USS Stennis lớn vĩ đại như thế. Với 24 tầng, mẫu hạm to như một khách sạn, có khả năng chứa được 6500 người, kể cả chỗ ngủ, phòng ăn, nhà bếp, phòng làm việc, nơi hội họp, kho chứa thức ăn, vũ khí...

“Chà lớn quá, như một thành phố!” Một người thốt lên.

Có lẽ ví rằng mẫu hạm to như một thành phố cũng không sai, vì ngoài chỗ làm việc và chỗ ngủ còn có phòng cầu nguyện, làm lễ, thư viện, Internet cà phê, cửa hàng, cafe Starbuck, máy ATM, có cả một cửa hàng bán quà kỷ niệm, nhu yếu phẩm, “junk food,” và đặc biệt nhất là một loại credit card được phát hành để dùng trên mẫu hạm, vì ở đây không nhận thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Sinh hoạt trên tầu thật nhịp nhàng, nối đuôi nhau theo hàng một trên cách hàng lang rất nhỏ chỉ vừa hai người phải lách nhau mà đi, chúng tôi gặp biết bao nhiêu là thủ thủy. Ða số còn rất trẻ, tuổi từ 18 đến 25 tuổi. Tuổi trung bình của tầu hình như là 26 tuổi.

Ai cũng bận rộn, người nào việc nấy, những ai gặp chúng tôi cũng tươi cười chào hỏi. Thoảng hoặc, chúng tôi chặn một hai người để phỏng vấn, ai cũng trả lời vắn tắt, rồi kín đáo nhìn đồng hồ bảo còn vài phút nữa phải có mặt ở chỗ nọ chỗ kia.

Thỉnh thoảng loa phóng thanh có tiếng “Fire drill...” thế là một toán người mặc đồng phục đỏ từ những hành lang túa ra, chạy thục mạng theo lộ trình sẵn của họ, vừa đi vừa nói vào những “mouth-piece.”

Thấm thoát đã hơn mười giờ tối, sau khi đã leo lên leo xuống hàng trăm bậc thang vừa nhỏ vừa dốc, để đi tham quan khắp nơi, chúng tôi được vào phòng flight deck control, và qua cửa kính, nhìn các chuyến thực tập bay đêm đang nhộn nhịp diễn ra trên sân bay. Những tiếng động cơ ồn ào nghe chợt vui tai qua lớp kính dầy.

Khi về đến phòng, chúng tôi đã mệt lắm, nhưng đêm nay không biết có ngủ được không, hay sẽ thức để làm bạn với những tiếng động cơ gầm thét.

Khu “state room” nằm ngay dưới sân bay.

Ðúng là sinh hoạt nhà binh. Ðúng 6 giờ 30 sáng chúng tôi bị đánh thức dậy. Mọi người có 30 phút để làm vệ sinh. Ðúng 7 giờ sáng, chúng tôi được đón đi vào phòng ăn, xếp hàng lấy thức ăn sáng.

Lần này chúng tôi dùng bữa ở phòng ăn dành cho lính. Những chiếc bàn dài đầy ắp những người hoặc trong đồng phục hoa xanh, hoặc trong những mầu sắc rực rỡ đỏ, tím, xanh của sân bay.

Ăn sáng phải cho nhanh, vì 7:30 cả phái đoàn sẽ được đưa vào phòng Command Master Chief Stanley L. Jewett để trò chuyện.

Command Master Chief Stanley L. Jewett là người lãnh đạo tất cả những hạ sĩ quan. Ông đã nhập ngũ từ năm 1986, vui tính, và chia sẻ tỉ mỉ đời sống của một lính hải quân trên tàu.

Ông bảo khi bị “deployed” có khi binh sĩ đi 8 tháng không về nhà, tuy nhiên trên tàu có Internet, và có thể liên lạc với gia đình qua email, skype, v.v...

Ông khoe đã lập gia đình 23 năm, và trả lời câu hỏi là ông vắng nhà nhiều thế, vợ có phiền không, ông bảo “có khi nhờ thế mà hôn nhân mới bền.”

Ðang chăm chú nghe những mẩu chuyện thú vị của Command Master Chief Stanley L. Jewett, chúng tôi chợt nghe thấy những tiếng nói rất lớn nhưng đều từ bên ngoài vọng vào.

Command Master Chief Stanley L. Jewett nói:

“À đã 8 giờ sáng rồi, các tân binh đang đọc lời ‘tâm niệm’ của lính thủy.”

“Mỗi ngày, đúng giờ này, sau bữa ăn sáng, họ tập họp ở phòng ăn, cùng đọc lời tâm niệm, rồi chia nhau để ‘clean up,’ mỗi nhóm người phụ trách một khu.”

“Sau đó, cấp trên của họ sẽ giao cho họ trách nhiệm trong ngày.” Ông nói thêm.

Chúng tôi lắng tai nghe:

“...Tôi là một thủ thủy Hoa Kỳ... Tôi hứa sẽ bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tôi đại diện cho chí khí phấn đấu của binh chủng Hải Quân và những tiền nhân đã bỏ mình để bảo vệ tự do và dân chủ trên khắp thế giới...”

Trên khắp thế giới...

Quyến luyến thế nào rồi cũng phải chia tay.

Hai giờ chiều, chúng tôi nối đuôi nhau trở vào bụng chiếc C2-A, sau khi đã khoác lên người tất cả trang phục an toàn.

Sau khi đã cột tất cả các dây an toàn, chúng tôi được dặn phải đưa hai cánh tay chéo nhau và ôm lấy vai, đầu cúi xuống tựa vào ngực.

Giờ khởi hành đã điểm.

Sau một tiếng phực rất lớn, máy bay bổng vút đi, chúng tôi giật nẩy người như bị bắn lên trần, rồi cả người chúi về phía trước, lơ lửng trên không như trái cây bị bắn lìa cành.

Chỉ vài giây thôi, rồi máy bay nhẹ nhàng bay vào khung trời thênh thang.

Giã từ USS Stennis, giã từ Hải Quân Hoa Kỳ, giã từ những khuôn mặt trẻ ngây thơ mới gặp đã gây vấn vương và lời tâm niệm “bảo vệ tự do và dân chủ trên khắp thế giới...”

No comments:

Post a Comment