Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, April 9, 2011

Một ngày ‘mạo hiểm’ trên hàng không mẫu hạm USS Stennis

Sáng sớm hôm ấy, khi trời còn se lạnh, bốn anh em chúng tôi đã tề tựu trong bãi đậu xe của căn cứ Không Lực Hải Quân Hoa Kỳ, nao nức đợi chờ giờ bắt đầu chuyến mạo hiểm trên hàng không mẫu hạm USS Stennis.

Căn cứ bề thế và đẹp từ ngoài đẹp vào. Trên một trụ cao phía bên trái cổng lớn choán gần hết bề ngang con đường, một chiến đấu cơ Skyhawk A-4, loại đã được dùng trong nhiều cuộc oanh tạc Bắc Việt thời chiến tranh Việt Nam, uy nghi đón dòng xe cộ đông đúc tiến vào căn cứ. Hai bên đường thấp thóang bóng một vài người mặc đồng phục hoa của lính hải quân cắm cúi bước.

Bầu trời trong, hứa hẹn một ngày nắng đẹp, nhưng hai người phụ nữ trong đoàn cùng kêu là có cảm giác “chuếnh choáng” như say rượu, phần thì chắc tối hôm trước hồi hộp quá nên khó ngủ, phần khác có lẽ vì “lời dọa” của tài liệu do Hải Quân gửi đến trước đó, nên đã rủ nhau dán sẵn ở đằng sau tai miếng cao chống say sóng hiệu Transderm Scop, do anh Ðinh Xuân Thái cẩn thận cung cấp cho.

Chị Janine lo lắng than: “Sao chưa lên tàu mà đã say sóng rồi?”

“Hy vọng là tại ảnh hưởng thuốc. Lát nữa lên máy bay còn bị nhào lộn nữa, chắc chết quá!” Tôi lo âu phụ họa.

Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái đăm chiêu không nói gì.

Còn anh Ðinh Xuân Thái của Little Saigon TV thì nét mặt có vẻ thản nhiên một cách “đáng nghi”. Ðáng nghi là vì nghe nói anh ngồi xe còn bị say sóng, và cũng đã cẩn thận dán Transderm Scop vào tai như chúng tôi, như vậy chắc chắn cũng sẽ bị “say” thôi.

Nhưng không ai có thời giờ thắc mắc lâu. Những người cùng tham dự “Distinguished Visitor Embarkation Program” cũng vừa lục tục kéo tới, có người cho biết từ Bắc California xuống, người khác từ Denver, Colorado, bay đến tham dự.

Chúng tôi chào hỏi nhau, trò chuyện mới biết ra đây là “Chương trình đón khách danh dự” do Hải Quân Hoa Kỳ tài trợ, với mục đích làm tăng nhận thức của quần chúng về nhiệm vụ của binh chủng, vì thế hầu hết những người được mời là nhà báo, lãnh đạo cộng đồng, người nổi tiếng, hay những ai mà Hải Quân Hoa Kỳ cho là có khả năng sử dụng thông tin đại chúng, hoặc có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với càng nhiều người khác càng tốt.

Anh em chúng tôi được mời lên tàu, vì vừa có dịp gặp Thiếu Tá Hải Quân Hoa Kỳ Anthony Trần (đặc trách việc tuyển mộ và phát huy Hải Quân trong vùng Los Angeles), trong một buổi họp để bàn về việc tổ chức buổi trình chiếu cuốn phim tài liệu “Những người may mắn - Câu chuyện của USS Kirk” cho cộng đồng Mỹ gốc Việt xem vào dịp 30 Tháng Tư năm nay.

Trước khi lên máy bay, 16 người chúng tôi ngồi xung quanh một chiếc bàn dài hoàn toàn bị thu hút bởi phần trình bày dài 45 phút vừa linh hoạt, dí dỏm vừa say mê của thuyết trình viên, cũng như những slide show rất đẹp được phóng to lên tường.

Chốc chốc trong phòng lại phát lên những tiếng cười rộ, chen lẫn những tiếng ồ vỡ lẽ. Những khuôn mặt hân hoan lâu lâu lại liếc nhìn nhau chia sẻ một niềm hãnh diện.

Không hãnh diện sao được khi cả thế giới chỉ có 21 hàng không mẫu hạm, Hoa Kỳ có 11 chiếc, Tây Ban Nha và Ý mỗi nước có hai chiếc. Còn Anh, Pháp, Nga, Ấn Ðộ, Brazil và Thái Lan, mỗi nước chỉ có một.

“Không chỉ có nhiều, mà hàng không mẫu hạm của chúng ta lớn, mạnh và tối tân không ai bì kịp.” Một vị sĩ quan Hải Quân khẳng định.

Ông cho biết tiếp là chiếc USS Stennis, mà tất cả sắp được đặt chân lên, là một trong 10 “siêu” hàng không mẫu hạm thuộc thế hệ Nimitz vĩ đại bậc nhất thế giới của Hoa Kỳ, dài hơn 333 mét, ngang 78 mét, trọng tải hơn 100,000 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân, tốc độ tối đa hơn 30 hải lý một giờ (không thể tiết lộ chính xác nhanh bao nhiêu, vì bí mật quân sự), chạy được 20 năm trước khi phải thêm xăng, và bền đến 50 năm.

Quan trọng hơn, USS Stennis lúc nào cũng “sẵn sàng ứng chiến” và có thể nhổ neo lên đường “trong vòng vài phút khi được lệnh,” mang theo hỏa tiễn, đạn dược, vũ khí, thuốc men, thực phẩm và thường chuyên chở hơn 80 máy bay chiến đấu cơ như F/A-18F, F/A-18C cùng một số máy bay chiến thuật khác như loại máy bay do thám “chó săn” C-2A Greyhound, hay máy bay do thám E-2C Hawkeye.

Quan trọng hơn nữa, vẫn theo lời vị sĩ quan thuyết trình, thế hệ Nimitz không bao lâu nữa sẽ bị thay thế bằng một thế hệ mới, mạnh hơn, nhanh hơn, và giàn phóng (catapult) được chạy bằng điện (thay vì bằng hơi) có thể bắn chiến đấu cơ đi nhanh hơn 25%.

Và còn nhiều điều khác để hãnh diện, nhưng trăm nghe không bằng một thấy.

Ồ, chiếc phi cơ C2-A Greyhound sắp đón chúng tôi đi đã đến bên kia rồi, hai chong chóng còn đang quay tít, tốc bụi vào không gian.

Sau vài phút nghe giải thích về an toàn trên phi cơ, chúng tôi được khoác vào người bộ áo nổi nặng nề, bên dưới áo đeo lủng lẳng cái túi chứa phao cá nhân, đầu đội mũ hai bên bọc kín tai để bảo vệ màng tang, và kiếng che kín mắt.

Phi cơ C2-A Greyhound, còn được gọi là COD, viết tắt của những chữ “Carrier On-Board Delivery,” dùng để đưa nhân sự và nhiên liệu đến mẫu hạm. Máy bay này có hai động cơ chong chóng, với phi hành đoàn năm người, hai ở phòng lái và ba ở phía sau.

Chúng tôi loạng choạng bước vào bên trong phi cơ tối um, chiếc máy bay mỗi bên chỉ có một cửa sổ. Tất cả những máy ảnh, máy quay phim đều được phi hành đoàn cất giùm vào hộc an toàn. Không ai được cầm gì trên tay.

Vài phút trước giờ bay, trong bóng tối, phi hành đoàn đi một vòng kiểm soát giây an toàn của mọi người. Ngoài vòng dây thắt ngang bụng, còn có hai sợi dây kéo từ hai bên vai xuống. Chúng tôi có cảm tưởng người bị cột chặt vào ghế, không thể cục cựa, nhúc nhích. Mọi người ngồi quay mặt về hướng đuôi máy bay.

“Chúng ta sẽ bay khoảng 45 phút mới tới hàng không mẫu hạm USS Stennis.” Một người trong phi hành đoàn nói.

“Chúng ta sẽ đáp xuống bất thình lình, máy bay sẽ bị dừng lại bằng giây hãm, quý vị sẽ bị đẩy mạnh người lên.” Tiếng nói lại tiếp tục.

Khoảng 15 giây trước khi máy bay hạ cánh, có tiếng hô lớn “Here we are!”

Chưa kịp định thần, người chúng tôi như bị hất tung lên, ngược vào lưng ghế (giờ mới hiểu tại sao phải ngồi quay lưng lại). Máy bay đập mạnh xuống sàn, cái móc ở đuôi máy “bắt” vào sợi dây cáp, rung lên bần bật, rồi chỉ trong vài giây, đang từ tốc độ khoảng 170 hải lý dừng hẳn lại.

Tôi lén rút chiếc máy video nhỏ xíu giấu ở túi áo, bấm nút quay. Qua khe hở của máy bay, ống kính chỉ thu được một đám chân người chạy tứ tung.

Từ trong máy bay tối um chui ra, tôi có cảm tưởng mình là con sâu bướm vừa thoát xác, được ném vào một tổ ong.

USS Stennis là đây. Sàn bay rộng quá, mênh mông. Gió mạnh quá, lồng lộng. Tiếng động cơ lớn quá, inh ỏi. Biển xanh quá, ngút ngàn.

Nhìn đâu cũng thấy người là người trong đồng phục đủ mầu vui mắt, ai nấy đều bận rộn tíu tít, người nào việc nấy, nhịp nhàng ăn khớp, chỉ vài phút sau khi đoàn người ra khỏi máy bay, chiếc C2-A vừa chở chúng tôi đã được hướng dẫn lăn vào chỗ đậu, chờ được giàn phóng bắn đi.

Một người trong ban tiếp tân ra tươi cười đón chúng tôi đưa xuống tàu.

Xếp hàng một, chúng tôi nối đuôi nhau mà đi vào lòng chiếc USS Stennis, bắt đầu hòa mình với sinh hoạt của một hàng không mẫu hạm.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment