Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 8, 2011

Mặt bằng giá mới và sức chịu đựng

Mọi loại hàng hóa thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới sau một loạt tác động từ tỷ giá, lãi suất cho tới tăng giá điện xăng dầu. Người dân và chuyên gia nhìn vấn đề này như thế nào. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.

Hàng hóa thực phẩm rủ nhau tăng giá
Giá thực phẩm đã tăng đến mức đại đa số người tiêu dùng không kham được nếu không thắt lưng buộc bụng. Chuyên gia kinh tế tài chánh Huỳnh Bửu Sơn từ TP.HCM phát biểu:
“Chính những bà nội trợ đi chợ họ có cảm nhận rõ nét nhất. Thứ nhất họ tiếp cận được giá thực tế trên thị trường tức là ở các chợ. Thứ hai là ảnh hưởng của giá cả đó đối với đồng lương với ngân sách gia đình của họ.”
Nông dân ở Cần Thơ nói với chúng tôi là vật giá tăng quá nhanh, tuy họ bán được lúa hoặc cá tra với giá cao hơn vụ trước khá nhiều nhưng vẫn không đủ để tái sản xuất hoặc chi phí cho gia đình.
“ Phân bón hôm nay mua giá này mai giá khác, ở chợ mặt hàng nào cũng tăng giá hết, tôi nói gia đình phải thắt lưng buộc bụng, đi chợ không phải muốn mua gì mua tùm lum như lúc trước. Bà xã tôi đi chợ lấy 500.000đ đi vòng qua chưa đầy giỏ đã hết tiền”
Trong khi đó bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh, nguyên phó giám đốc bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM hiện đã nghỉ hưu, tán dương sức chịu đựng của người dân Việt Nam:
“Khó khăn đấy, lương hưu của tôi thuộc loại khá nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Tuy vậy tôi có thuận lợi nhờ còn có cái nghề để làm thêm. Những người ở mức lương thấp hơn tôi mà không có nghề gì để làm thêm thì khó khăn nhiều lắm. Tôi nghĩ cuộc



sống hiện nay đã cao hơn rất nhiều lần so với trước, thành ra sẽ chịu đựng được hết thôi. Lạm phát hiện nay là tình hình chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, chắc rồi sẽ ổn định dần.”
Trong vòng chưa tới hai tháng chính phủ đã thực hiện 1 loạt biện pháp gây ảnh hưởng mạnh tới vật giá như hạ giá tiền đồng 9,3%, tăng giá điện 15% và hai lần tăng giá xăng dầu cộng chung hơn 30%. Vật giá tăng rõ nét ngay sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 29/3, điều mà tờ báo mạng chuyên về giá cả thị trường Saigon Tiếp Thị cho rằng, ngay cả hàng bình ổn giá cũng đã hình thành mặt bằng giá mới. 22 doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá ở TP.HCM đã đăng ký với Sở Tài chính xin duyệt mức giá mới kể từ đầu tháng Tư, theo đó tất cả các mặt hàng thiếu yếu cho đời sống đều tăng cao, mức cao nhất tăng 43% và mức thấp nhất là 9%.
Cụ thể dầu ăn tăng 43% từ 25.500đ/l lên 36.000đ/l. Gạo trắng loại thường từ 8.000đ tăng lên 10.800đ/kg tăng 35%, kế tiếp là đường RE, thịt heo tăng 18,5% chỉ riêng có trứng gia cầm là tăng ít nhất khoảng 9%. Điều đáng nói mức giá của chương trình bình ổn thấp hơn giá thị trường khoảng 10%, do các doanh nghiệp được chính quyền cho vay vốn không lãi.
Bên cạnh đó, cước vận tải hành khách và hàng hóa là dịch vụ được điều chỉnh giá chỉ vài ngày sau các đợt tăng giá xăng dầu, lần sau cùng mới đây giá cước xe khách, xe taxi tăng từ 5 tới 10% còn vận tải hàng hóa tăng từ 8 tới 10%. Trước đó nhà xe đã tăng giá một lần từ 15% tới 18% hồi cuối tháng Hai.

Quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng
Trả lời chúng tôi, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề vật giá lạm phát:
“Đứng về góc độ vĩ mô mà nói, tất nhiên lạm phát luôn luôn gây áp lực với ngân sách gia đình nhưng nếu một gia đình mà người chồng người vợ vẫn có công ăn việc làm, thì nó vẫn tốt hơn hoàn cảnh một nền kinh tế suy thoái tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong trường hợp người chồng hay người vợ bị mất việc thì ảnh hưởng của nó tới ngân sách gia đình còn nghiêm trọng hơn nhiều. Quan điểm của riêng tôi về vấn đề kiểm soát lạm phát hay tăng trưởng thì tôi thiên về tăng trưởng.”
Đáp câu hỏi về việc chính phủ Việt Nam thực hiện nghị quyết 11 ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát thực hiện an sinh xã hội, phải chăng đã không còn chú trọng mục tiêu tăng trưởng như trước. Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nhận định:“Tôi cho rằng Việt Nam hiện nay đang đi theo hướng kềm chế lạm phát nhiều hơn. Tất nhiên trong ngắn hạn tôi cho rằng mục tiêu này cũng phù hợp để làm dịu đi những ảnh hưởng, đặc biệt là về tâm lý. Nhưng trong dài hạn thì chắc chắn chính phủ đã tiên liệu, sau khi nền kinh tế đã đạt tới một mặt bằng giá mới và sau khi tình hình có vẻ ổn định thì phải tính đến chuyện tăng trưởng nhiều hơn. Khi đã nghĩ đến tăng trưởng nhiều hơn thì phải có chọn lựa, đầu tư vào khu vực nào có hiệu quả hơn, chẳng hạn như việc siết chặt đầu tư công như trong quyết định của chính phủ cho thấy quyết tâm đó là đúng đắn và sẽ dành nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực nhiều hơn cho khu vực tư vốn là khu vực tạo ra hiệu quả nhiều hơn cho nềnkinh tế.”
Vào ngày 1/5 tới đây, ngân sách Nhà nước sẽ chi 27.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương cho công nhân viên chức. Ở Việt Nam từ trước tới nay mỗi khi chính phủ tăng lương do lạm phát, thì vật giá đã tăng từ trước lại được dịp tăng thêm một lần nữa. Quý 1 đầu năm chỉ số vật giá tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước, 3 quý còn lại có thể cũng chẳng lạc quan nhiều. Có chuyên gia nói Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài, do vậy nếu giá dầu thô, phân bón tiếp tục tăng vì Trung đông, Bắc phi bất ổn, nếu giá ngũ cốc vẫn cao thì Việt Nam có thể lập lại kịch bản 2008 với mức lạm phát hơn 20%. Đây là điều cả chính phủ, doanh nghiệp lẫn người dân đều không mong muốn.

No comments:

Post a Comment