Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 8, 2011

HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một người Khmer Krom

Human Rights Watch vừa kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho một người Khmer Krom vận động cho quyền sở hữu đất đai tại Việt Nam bị chính phủ nước này bắt bớ và giam cầm.Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền HRW cho biết trong bản báo cáo được công bố hôm thứ Năm, ngày 7 tháng 4 rằng, có rất nhiều nhà vận động ôn hòa cho cải cách dân chủ, pháp quyền, tự do tôn giáo, quyền sở hữu đất đai và nhân quyền tiếp tục là nạn nhân của việc bắt giữ tùy tiện và bị áp đặt mức án tù nặng nề tại Việt Nam. Những người bị bắt chỉ vì đòi hỏi quyền của mình, điều này cho thấy một tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.


Do đó, các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Việt Nam cần kiên quyết bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với những nhà hoạt động dũng cảm ở trong nước và kêu gọi chính quyền ngay lập tức thả tất cả những người đã bị bắt và giam giữ một cách tùy tiện.
Bản báo cáo của HRW còn cho biết, sau khi những người đấu tranh chính trị, tôn giáo và nhà vận động cho quyền sở hữu đất đai bị bắt giam cầm trong nhà tù, cán bộ trại giam thường xuyên ngược đãi và tra tấn những người này vì lý do chính trị trong khi thẩm vấn, nhằm ép buộc họ ký các bản nhận tội được viết sẵn và khai báo về các nhà hoạt động khác.


Trong thời gian tạm giữ trước khi đưa ra tòa xử, những người này thường bị giam cầm trong tù ngục và chỉ được đưa ra để thẩm vấn và hành hạ.


Vào ngày 31 tháng 3 vừa qua, Tòa án huyện Tri Tôn kết án hai năm tù giam đối với ông Chau Hêng, nhà vận động cho quyền sở hữu đất đai và là người dân tộc thiểu số Khmer Krom ở tỉnh An Giang. Điều này, ông Robertson khẳng định rằng, phiên tòa trình diễn vừa qua đánh dấu một mức mới trong chiến dịch tiếp tục đàn áp các nhà vận động cho nhân quyền ở Việt Nam.


Một phiên tòa bất công


Trưởng Ban kế hoạch của Liên Minh Khmer Kampuchia-Krom tại Hoa Kỳ Trần Manh Rinh nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, trước đây tổ chức của ông đã gửi thư cho các Cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ của các nước tại Việt Nam để họ biết chiến dịch đàn áp của Tòa Việt Nam đối với ông Chau Hêng. Đồng thời, tổ chức ông cũng kêu gọi họ giúp can thiệp để chính phủ Việt Nam thả người. Ông Trần Manh Rinh cho biết thêm:

Vụ xử này, nó hoàn toàn dã man tại vì không bao giờ có phiên tòa nào đem một người không đủ sức lực, không có đủ tâm trí đi xử cả, hơn nữa trong lúc xử thì không có luật sư biện hộ. Tất cả đều là sự dàn dựng, sắp xếp. Đây chứng tỏ rằng, nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm trầm trọng về vấn đề nhân quyền mà Cộng sản Việt Nam đã ký kết với LHQ. Cho nên không chỉ riêng Human Rights Watch, mà chúng tôi đã cũng báo cáo lên cơ quan quốc tế, cũng như Hội đồng nhân quyền của LHQ về vấn đề này để được can thiệp và ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam về vấn đề này.”


Bà Neáng Thuôn, vợ của bị cáo Chau Hêng cũng cho biết, hiện bị cáo đang bị giam cầm tại nhà tù thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Công an cho bà làm giấy xin phép đến thăm nuôi vào ngày 10 tháng 4 tới vì bà chưa hề được gặp ông ấy kể từ khi đưa ông ấy ra tòa xét xử. Bà kêu gọi Quốc tế can thiệp, gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để thả ông ấy vì bà cho rằng chồng bà chỉ là người tham gia khiếu kiện đất đai chứ không chống đối chính quyền Việt Nam. Bà Thuôn nói:


“Tôi kêu gọi Quốc tế can thiệp để trả tự do cho ông ấy vì không phải chỉ riêng một mình ông ấy đã khiếu kiện đất đai. Bây giờ họ giam cầm, chích thuốc và đối xử dã man đối với ông ấy, rồi đưa ông ra tòa xét xử trong lúc ông ấy đang bị khủng bố tinh thần, và bất tỉnh cho nên ông ấy không thể tự bảo hộ, cộng thêm những người làm chứng đều là người làm việc cho chính quyền.”
Đài Á Châu Tự Do không thể xin phản ứng của Chính phủ Việt Nam liên quan bản báo cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền liên quan đến việc bắt giam giữ người vì lý do vận động cho quyền sở hữu đất đai, chính trị và tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.


Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng vào ngày 31 tháng 3 năm 2011 bác bỏ những thông tin trong bản báo cáo ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Tổ chức này liên quan đến tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bà Nga khẳng định, Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Thực tế sự phát triển của các tôn giáo và đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng phong phú của người dân, mà đã được nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài và cộng đồng quốc tế nói chung đánh giá cao, là minh chứng sinh động về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment