Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, April 11, 2011

Cuộc thi Asia Venture Challenge 2011

Hôm nay Café Wifi hân hạnh được đón tiếp những vị khách mời đặc biệt từ Cuộc thi Asia Venture Challenge 2011 (AVC). Đây là một cuộc thi quốc tế dành cho những bạn trẻ, đa số là sinh viên cao học, yêu thích kinh doanh và muốn thử sức trong việc lên kế hoạch đầu tư.


Ý tưởng tổ chức cuộc thi


Người đầu tiên Khánh An muốn giới thiệu với quý vị là anh Chinapon Trakulyuthachai, Trưởng ban tổ chức của AVC tại Bangkok, Thái Lan và người tiếp theo là bạn Wansa Phaerakkakit, trưởng nhóm đoạt giải năm nay.


Trước tiên, để cho quý vị hiểu hơn về cuộc thi Asia Venture Challenge, Khánh An mời anh Chinapon giới thiệu một chút về cuộc thi:


"Asia Venture Challenge thực chất là một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh, nhưng nó còn hơn thế nữa, là nơi mà các sinh viên cao học thực sự tìm kiếm ý tưởng để kinh doanh trên một sản phẩm nào đó. Cuộc thi mở ra cho tất cả mọi sinh viên các trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay chúng tôi có 13 đội thí sinh đến từ 8 quốc gia."


Ngoài ra, anh Chinapon còn cho biết thêm rằng cuộc thi AVC vốn phát xuất từ cuộc thi có uy tín lớn nhất thế giới về Kế hoạch kinh doanh – Venture Labs Investment Competition – của các trường đại học kinh doanh ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ trong suốt 27 năm qua.


Do đó, nói về ý tưởng tổ chức cuộc thi thì phải quay lại từ đầu thập kỷ 80, khi đó có 2 sinh viên MBA của Trường đại học Texas rất mong muốn có một hoạt động trong trường theo kiểu thử thách, tranh luận giống như ở các trường luật thường hay có. Những sinh viên này hình dung ra một cuộc tranh tài mà trong đó các sinh viên cao học sẽ làm việc nhóm để đưa ra một ý tưởng cho doanh nghiệp mới của họ, sau đó phát triển ý tưởng này thành văn bản hẳn hoi và trình bày với hội đồng các doanh nhân, những nhà đầu tư mạo hiểm, các ngân hàng và luật sư.
Đáp ứng nhu cầu này, trường đại học Texas tại Austin đã tổ chức cuộc tranh tài đầu tiên với tên gọi “Moot Corp Competition” và năm 1984. Từ đó, cuộc thi này bắt đầu lan rộng ra các nước trong khu vực rồi đến khu vực châu Á vào năm 1998 và trở thành cuộc thi uy tín nhất thế giới dành cho các sinh viên cao học về linh vực kinh doanh.


Vào năm 1998, khi cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức cho khu vực châu Á, nó được tổ chức bởi trường Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông. Nhưng sau đó, kể từ năm 2005, cuộc thi này được chuyển địa điểm sang Thái Lan và được trường Đại học Thammasat đảm nhiệm vai trò tổ chức.


Thách thức cho sinh viên


Trở lại với cuộc thi năm nay, vượt qua các nhóm thí sinh từ 12 đội đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines và Thái Lan, nhóm các bạn trẻ có tên là XZell đã giành được chiến thắng với dự án kinh doanh sản phẩm chuẩn đoán bệnh sốt xuất huyết.


Bây giờ thì Khánh An mời bạn Wansa Phaerakkakit, trưởng nhóm, cho quý vị biết sơ qua về nhóm của bạn cũng như sản phẩm kinh doanh của nhóm:


"Nhóm mình gồm có 4 người, trong đó có mình, và thêm 2 nhà nghiên cứu nữa. Sản phẩm của chúng tôi có tên gọi là “DenkiTector”. Nó là một dụng cụ chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ em. Nó giúp cho bác sĩ sớm xác định được bệnh nhân có bị sốt xuất huyết hay không, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh."

Nhóm có 4 bạn, đa số đều vừa đi làm vừa đi học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Đại học Thammasat. Đây là một trường quốc tế rất có tiếng trong khu vực. Cũng do học cùng trường, có dịp làm việc chung nên các bạn đã phát hiện ra sản phẩm chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết chính là công trình của bố một bạn trong nhóm.


Ông vốn là một nhà nghiên cứu đã nghiên cứu về bệnh sốt xuất huyết trên 20 năm nay và sáng chế ra dụng cụ chẩn đoán sớm này. Thế là cả nhóm đã nảy ra ý tưởng tiếp thị cho sản phẩm của “người nhà”, lên kế hoạch cùng với sự trợ giúp của thầy cô để đem đi tranh tài với bạn bè trong khu vực.


Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng việc tranh tài cùng các đội nhóm từ các trường đại học nổi tiếng của các nước khác trong khu vực cũng không phải dễ dàng. Tất cả các nhóm đều là các đội chiến thắng tại quốc gia của họ và đều có những ý tưởng kinh doanh rất mới lạ, táo bạo và đầy tiềm năng, chẳng hạn như ý tưởng kinh doanh “dụng cụ di động chẩn đoán virus trên tôm” của các bạn trường Đại học Chulalongkorn, kinh doanh “chén bát bán hoàn tất với mục đích quảng bá cho lối sống khỏe” của trường đại học quốc gia Singapore, hoặc


“dịch vụ một cửa cho các doanh nghiệp quốc tế” của trường đại học Hồng Kông…


Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của cuộc thi là một trong những bí quyết của nhóm. Wansa cho biết:


"Trong cuộc thi Asia Venture Challenge, người ta yêu cầu phải lên một kế hoạch kinh doanh về một sản phẩm. Trong đó, bạn phải giải thích về sản phẩm đó là như thế nào, kế hoạch tài chính cho việc kinh doanh sản phẩm. Chẳng hạn như chúng tôi lên kế hoạch là sẽ sản xuất sản phẩm trong năm nay và năm tới, rồi sẽ bán sản phẩm vào năm tới, đồng thời quảng bá sản phẩm đến các nước trong khu vực châu Á và Nam Mỹ vào năm tiếp theo nữa."


Cuộc thi gồm có 3 vòng: vòng phân loại, vòng thử thách và vòng chung kết. Mỗi nhóm sẽ có một khoảng thời gian từ 30 – 45 phút để trình bày dự án của mình. Vì AVC là một cuộc thi quốc tế nên không những các bạn trẻ tham gia phải thông thạo tiếng Anh, mà họ còn phải có khả năng thuyết phục hội đồng giám khảo và các nhóm đến từ các nước về dự án của mình hoàn toàn bằng ngôn ngữ quốc tế này.


Đem chuông đi đánh xứ người


Vượt qua tất cả các đối thủ, nhóm của Wansa đã giành giải nhất với phần thưởng là 10.000 USD và được đại diện cho khu vực đi tranh tài với các khu vực khác tại cuộc thi sắp tới được tổ chức ở thủ phủ Austin của tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.


Wansa cho biết hiện nhóm của bạn đang ráo riết chuẩn bị cho đợt “đem chuông đi đánh xứ người” này:


"Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu những góp ý cũng như câu hỏi mà ban tổ chức AVC đưa ra, tìm cách trả lời và chuẩn bị mọi thứ cho cuộc thi Venture Labs Investment Competition sẽ diễn ra tại Austin, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ và đầu tháng 5 này."


Theo nhận xét của ban tổ chức cuộc thi, ý tưởng năm nay của các nhóm khá độc đáo và thực tế, liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và kỹ thuật. Điều này cho thấy tiềm năng của các nhóm và khả năng cạnh tranh của họ đối với các đối thủ khác trong cuộc thi toàn cầu là rất cao.


Khi được hỏi về khả năng mở rộng cuộc thi đến nhiều nước hơn nữa trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam, anh Chinapon cho biết điều này là đương nhiên:


"Có chứ, chúng tôi mở rộng cửa đối với tất cả các nước trong khu vực châu Á. Tôi nghĩ có thể họ (thí sinh từ Việt Nam) không nhận được lời mời hoặc không đọc được thông báo của chúng tôi về cuộc thi này. Chúng tôi tổ chức cuộc thi hằng năm, thường là trong tháng 3 và bắt đầu nhận các kế hoạch kinh doanh dự thi vào tháng 11. Năm tới, chúng tôi sẽ liên lạc với các trường đại học ở Việt Nam để mời họ gửi các kế hoạch dự thi."


Giành chiến thắng trong cuộc thi khu vực lần này, nhóm của Wansa cho biết bí quyết thành công của họ là:
"Theo tôi, nhóm thành công không phải chỉ nhờ vào sản phẩm mà còn nhờ vào kế hoạch kinh doanh của chúng tôi. Sản phẩm thì thực ra đã xuất hiện trên thị trường nhưng không có ai tiếp thị cho nó. Bởi vậy, chúng tôi chiến thắng trong cuộc thi này là nhờ vào kế hoạch tiếp thị và tài chánh nữa."


Ngoài ra, có một điều mà có lẽ Wansa không cho đó là một bí quyết nhưng không ít người tham dự tỏ ra thích thú về điều này. Đó là nguyên nhân của việc nhóm XZell chọn kinh doanh sản phẩm DenkiTector là vì các bạn thấy căn bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở các nước trong khu vực vốn thuộc khí hậu nhiệt đới. Thêm vào đó, hiện tượng ấm lên trên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia tăng căn bệnh này. Do đó, các bạn trong nhóm nghĩ rằng nếu họ có thể giúp cho các bác sĩ thêm một chút tự tin trong việc chẩn đoán bệnh, thì chắc chắn nhiều bệnh nhân sẽ được cứu.


Như vậy, phải chăng xuất phát điểm từ trái tim của nhóm mới là bí quyết thành công thực sự của tất cả các ý tưởng và chiến lược trên bàn giấy của họ?


Khánh An để dành câu trả lời cho quý vị nhé. Khánh An xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

No comments:

Post a Comment