Các lực lượng ủng hộ Tổng thống Libya Moammar Gadhafi vừa chiếm lại hai thành phố từ tay phe nổi dậy để tạo ra một vùng đệm quanh thủ đô Tripoli.
Những cuộc đụng độ bạo lực ngày càng tăng ở Libya đe dọa biến cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 15 ngày qua thành nội chiến, AP nhận định.
Đối mặt với thách thức chưa từng có trong 41 năm tại vị, Gadhafi đã tiến hành các cuộc truy quét nhằm vào làn sóng chống đối. Ông này mất quyền kiểm soát ở miền đông Libya song vẫn nắm thủ đô Tripoli và các thành phố lân cận.
Phe của Gadhafi đã lấy lại ít nhất hai thành phố gần thủ đô và có thể chiếm tiếp thành phố thứ 3. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy đáp lại bằng các cuộc tấn công từ ba phía đông, tây và nam của thủ đô.
Một trong những thành phố bị phe cầm quyền chiếm lại là Gharyan sau một đòn tấn công chớp nhoáng hôm 26/2. Phe chính phủ đã bắt giữ một sĩ quan theo lực lượng nổi dậy, lên danh sách truy nã người biểu tình và bắt đầu tìm kiếm họ. Người ủng hộ Gadhafi cũng giành quyền kiểm soát Sabratha ở tây Tripoli. Hai bên giành giật nhau thành phố này suốt một tuần qua.
Trong khi đó, ở Zawiya, thành phố cách thủ đô 50 km về phía tây, lực lượng nổi dậy đánh bại quân đội bằng các mũi tấn công từ 6 hướng. Hiện chưa có con số về thương vong. Ở ngoại ô thành phố Misrata, cách Tripoli 200 km ở phía đông, quân đội Gadhafi kiểm soát một phần căn cứ không quân. Tuy nhiên, họ đã bị đánh lui khi tìm cách tiến sâu hơn vào bên trong. Hiện chưa rõ số người chết hay bị thương sau trận đánh này. Tuy nhiên, phe nổi dậy cho biết 8 binh lính, bao gồm một sĩ quan, của họ đã bị bắt.
Ở Zintan, cách Tripoli 120 km về phía nam, dân chúng cho hay quân đội của Gadhafi bất ngờ ập vào tối 28/2. Đây là cú đánh thứ hai của phe chính phủ để từ khi thành phố này thuộc về tay lực lượng nổi dậy. Phe Gadhafi đang kêu gọi quân tiếp viện.
Một người ở Zwara, thành phố cách Tripoli hơn 120 km về phía tây, thì cho biết nơi này rơi vào tay chính phủ vài ngày trước. Binh lính được cắt cử ở các tòa nhà trọng yếu cũng như tất cả các lối vào thành phố. "Chúng tôi bị lực lượng ủng hộ Gadhafi đe dọa hàng ngày", một người dân Zwara cho biết.
Trong khi đó, một trung sĩ thuộc quân đội Libya, thuộc tộc người Tuareg, cho biết quân đội đang bị chia rẽ. "Người nước ngoài như chúng tôi thì không có nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi phải ủng hộ Gadhafi", anh này nói với AP. "Nhờ có ông ấy chúng tôi mới được ở đây".
Anh này thêm rằng những người ủng hộ Gadhafi không xem tin tức nước ngoài. "Chẳng có điều gì có thể khiến Gadhafi bỏ quyền lực", binh sĩ này nói. "Cách duy nhất là ai đó bắn ông ta một phát đạn vào đầu. Tôi chẳng thể tưởng tượng nổi điều đó. Những binh sĩ gần gũi với ông không bao giờ để điều đó xảy ra".
Nhiều thanh niên Mali và Niger đổ xô tới Libya những năm 70 và 80 đều thuộc tộc người Tuareg và được thu nhận vào quân đoàn Hồi giáo.
Lo ngại rằng Gadhafi có thể tiến hành không kích chống dân chúng của mình, Liên minh châu Âu và Mỹ đã bàn đến khả năng áp đặt khu vực cấm bay ở Libya - một chiêu đã thành công ở bắc Iraq và Bosnia. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi ý tưởng này là "vô dụng" và cho biết các cường quốc phải tập trung vào việc thực thi lệnh cấm vận mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước này hồi cuối tuần.
Con trai Gadhafi, Sief al-Islam, thì cảnh báo phương Tây và cho biết Tripoli sẵn sàng bảo vệ đất nước. "Nếu họ tấn công, chúng tôi luôn sẵn sàng", al-Islam nói với Sky News.
Trong khi đó, 140.000 đang tìm đường từ Libya sang Ai Cập và Tunisa. Tình hình ở biên giới Tunisia-Libya đã lên tới mức "khủng hoảng".
No comments:
Post a Comment