Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, February 11, 2011

Từ “Mùa xuân đầu tiên” nhìn về Giáo hội Công giáo Việt Nam


Có một Giáo hội Việt Nam đã được khởi đầu trong ân sủng, được xây dựng trên máu và nước mắt của tiền nhân.. Giáo hội ấy không thể mất, và càng không thể để Giáo hội bị lũng đoạn bởi những thói đời, những kèn cựa, hay những tham vọng của con người, nhưng phải được xây dựng trên nền tảng của sự thật và sự thiện, trong niềm tín thác cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng là mùa xuân vĩnh cửu cho con người.
Xuân Tân Mão đang bước dần qua, nhường lại một cuộc sống đời thường với những truân chuyên, những lo toan, những ước mơ cháy bỏng của một năm cũ với những ước nguyện chưa được thành sự.

Mùa xuân đầu tiên
Suốt tuần đầu tiên của Năm Tân Mão, Phụng vụ Lời Chúa đọc lại những chương đầu của sách Sáng thế ký, kể lại cái thuở ban đầu của ngày nhân loại khai sinh, cũng có thể được coi là mùa xuân của nhân loại.
Thiên Chúa đi dạo trong vườn, chuyện trò với con người. Con người sống bên nhau thảnh thơi, hạnh phúc mà “không xấu hổ dù cả hai cùng trần truồng” (St 2, 25).
Nhưng rồi thảm họa đã xảy ra khi con người và vợ mình “ăn trái cấm”, bất tuân lệnh của Thiên Chúa.
Tội lỗi đã tạo nên sự đổ vỡ trong mọi tương quan của con người.
Trước tiên, là sự đổ vỡ trong tương quan với Đức Chúa. Thiên Chúa gọi con người và  hỏi: “Người ở đâu? Con người thưa: ” Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”.
Thứ đến là sự đổ vỡ trong tương quan giữa người với người. Đức Chúa hỏi: “Ai đã cho người biết là người trần truồng?” Con người thưa: ‘Người đàn bà mà ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con đã ăn”. Đến lượt mình, trước câu hỏi của Đức Chúa, người đàn bà đã đổ mọi tội lên đầu con rắn, hình ảnh của satan.
Cuối cùng là sự vong thân nơi con người. Con người đánh mất hạnh phúc và cuộc sống giờ đây đã trở nên khắc nghiệt, “phải làm lụng vất vả” mới có bánh ăn.
Câu chuyện Sáng thế quả là tuyệt diệu. Mùa xuân đầu tiên của nhân loại cũng thật đẹp và thi vị. Thiên Chúa ở và đi dạo với con người và con người tìm được mùa xuân nơi chính mình và mang lại mùa xuân cho tha nhân.
Nhưng, câu chuyện Sáng thế, mặt khác, lại cho thấy cái bi đát của nhân loại, khi cái nhân loại ấy đánh mất ân sủng do bất cần Thiên Chúa, khi con người muốn làm Chúa của chính mình. Sự đỗ vỡ đã xảy ra, đưa nhân loại vào trong một tấn bi kịch của một mùa đông sẽ không bao giờ có hồi kết.
Cuộc chiến giữa sự thiện và cái ác cứ thế dai dẳng, đôi lúc cái này lấn át cái kia hay ngược lại, làm cho khuôn mặt nhân loại khi thì héo tàn, lúc thì hồi sinh. Đông tàn thì xuân đến, nhưng một mùa xuân vĩnh cửu, vẫn cứ mãi ở xa, vẫn luôn là ước vọng, đòi một cuộc canh tân, đổi mới, để Chúa “đi dạo trong vườn và hằng trò chuyện với con người”.

Cùng tìm lại mùa xuân cho Giáo Hội Việt Nam
Có một mùa xuân đầu tiên của nhân loại, thì chắc hẳn cũng đã có một mùa xuân cho Giáo Hội, cách riêng của Giáo Hội Việt Nam. Thiên Chúa đã thiết lập Giáo Hội Việt Nam dựa trên nền tảng của đức tin, máu và nước mắt của các vị tiền bối.
Với gần 500 năm được phúc đón nhận Tin mừng, 350 năm thành lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam có lẽ cũng đã nhiều lần kinh nghiệm thế nào là bóng tối, thế nào là ánh sáng. Có những mùa đông kéo dài trong lịch sử Giáo Hội, thì cũng đã có những lúc Giáo hội với sắc xuân sống động, đem lại hy vọng và sự ủi an chan hòa cho con người.
Lịch sử nhân loại đã có lúc đổ vỡ, những bi kịch đã có lúc xảy ra, thì sự đổ vỡ xảy ra trong Giáo hội cũng không có gì lạ, bởi hậu quả của tội nguyên tổ vẫn còn đó.
Nếu Giáo Hội Chúa Kitô ở Việt Nam vừa trải qua một Năm thánh, mà như có người nhận định, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, thì không phải vì thế mà phải thất vọng hay đánh mất niềm tin vào Chúa, cũng như vào Hội thánh của Người, bởi Giáo hội được xây dựng trên “nền tảng các thánh Tông đồ và Ngôn sứ” mà “quyền lực hỏa ngục cũng không thắng được”.
Những ngày tháng vừa qua, rất nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng vào Giáo hội, vào một số vị chức sắc trong Giáo Hội. Từ sự bất mãn với người này hay người kia, vị chức sắc này hay vị mục tử nọ, một số người đã bày tỏ ý định bỏ Chúa và nực cười hơn là muốn chuyển qua Giáo hội Tin Lành.
Cần phải nhắc nhau rằng, Giáo hội của Chúa Kitô ở trần gian không phải chỉ là Đức Giáo hoàng, không phải chỉ là các giám mục hay linh mục, Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Một vài người nào đó trong Giáo Hội có mắc khuyết điểm hay có những cách hành xử kiểu “thói đời”; họ có thể là giám mục, linh mục, hay giáo dân, thì cũng không phải vì thế mà Hội thánh Chúa không còn là “Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”, bởi nếu chỉ vì một vài người mất phẩm chất mà Giáo Hội đánh mất căn tính thì Giáo hội không còn là Giáo hội của Chúa Kitô đã được Người cứu chuộc bằng máu châu báu của Người, và hẳn rằng Giáo Hội sẽ không thể tồn tại tới ngày nay và sẽ tồn tại mãi cho tới tận thế như Lời Chúa đã phán hứa.
Vì thế, trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam đang có dấu hiệu của sự phân hóa như ngày nay, việc yêu mến Giáo hội trong tình trạng hiện thời của Giáo hội, với những đổ vỡ, những rạn nứt, thì đó mới đích thực là yêu mến Chúa – Đấng làm đầu Hội thánh và đã thiết lập Hội thánh, một Hội thánh “thánh thiện, không nhăn nheo, không vết nhơ, không tì ố” (Ep 5, 27), một Hội thánh được xây dựng ngay cả “trên sự yếu đuối của con người”.
Trái lại, nếu người ta chỉ yêu mến một Giáo hội như người ta nghĩ, nhắm phục vụ cho một mục đích cá nhân nào đấy, thì đó không phải là Giáo hội của Chúa, không hiểu được mầu nhiệm một Giáo hội lữ hành và đích thực họ đang yêu lấy chính mình.
Cũng vậy, trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam đang có dấu hiệu của sự rạn nứt, chia rẽ, hụt hơi vì mất lý tưởng, thì điều căn bản là hướng về cội nguồn, để “Đức Chúa cùng Dân Chúa đi dạo trong ngôi nhà Hội thánh”; là không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì tình trạng hiện nay để “chính Chúa người sẽ ra tay” thực hiện những gì Ngài đã khỏi sự.
Vì thế, vấn đề hiện nay của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam, không phải là kết án người này hay người kia, không phải là tìm mọi cách làm tan vỡ sự hiệp nhất vốn đã rất mong manh do tội, càng không nên tìm cách trốn tránh thực tại như Adong Eva xưa, mà là sám hối tội lỗi và ý thức về trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa – ý thức về tội của mình và trách nhiệm mỗi người phải sống thánh thiện, hiên ngang, can đảm làm chứng cho Tin mừng ngang qua những đổ vỡ của thời cuộc.
Cũng vậy, vấn đề hiện nay của Giáo Hội, như thánh Phaolô đã dạy “cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay biển sâu, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8, 38-39), Đấng đã là mùa xuân và sẽ mãi tạo thành mùa xuân cho con người và cho Giáo Hội.

Kết luận
Có một Mùa xuân được ban cho nhân loại, nhưng tội lỗi, tham vọng, thói đời đã làm biến dạng mùa xuân ấy.
Có một Giáo hội Việt Nam đã được khởi đầu trong ân sủng, được xây dựng trên máu và nước mắt của tiền nhân.. Giáo hội ấy không thể mất, và càng không thể để Giáo hội bị lũng đoạn bởi những thói đời, những kèn cựa, hay những tham vọng của con người, nhưng phải được xây dựng trên nền tảng của sự thật và sự thiện, trong niềm tín thác cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng là mùa xuân vĩnh cửu cho con người.

10/02/2011

No comments:

Post a Comment