Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 7, 2011

Trung Quốc ép BP ngưng tìm dầu biển Ðông với Việt Nam

LONDON 6-2 (NV) - Chưa thấy cần thiết phải nhờ đến chính phủ giúp đối phó với Trung Quốc, tập đoàn dầu khí BP chọn phương cách tự giải quyết vấn đề qua kênh thảo luận thương mại.
Một bản điện văn mật của Tòa Ðại Sứ Mỹ ở London gửi về Washington hồi năm 2008 có nội dung như vậy, mới được nhóm Wikileaks tiết lộ cho báo The Telegraph ở Anh ngày 4 tháng 2.
Bản phúc trình nói trên nói về áp lực từ cả Bắc Kinh cũng như từ Hà Nội đối với BP liên quan đến hợp đồng dò tìm dầu khí mà công ty đã ký với Việt Nam để dò tìm và khai thác dầu khí ở hai lô 5.2 và 5.3 có hai mỏ hơi đốt Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn và phía Bắc ranh giới với Indonesia.

Việt Nam nói rằng khu vực này thuộc về thềm lục địa Việt Nam, chủ quyền thuộc về Việt Nam chiếu theo các qui tắc của Luật biển Quốc tế.
Sau khi ký với Việt Nam hợp đồng khai thác 2 lô 5.2 và 5.3, năm 2007 Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải rút khỏi dự án.
Bản phúc trình mật của Tòa Ðại Sứ Mỹ ở London đề ngày 23 tháng 4, 2008 được Wikileaks tiết lộ có nội dung tóm tắt nói rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đe dọa sẽ có hành động (thiệt hại quyền lợi) đối với các tài sản của BP ở Trung Quốc nếu BP không ngừng dự án ở khu vực biển mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Phúc trình nói BP muốn hạn chế sự phản ứng (của mình) với áp lực của Trung Quốc về khai thác dầu khí biển Ðông (với Việt Nam) trong phạm vi các kênh thảo luận thương mại (commercial channels), theo sự cho biết của viên chức Bộ Ngoại Giao Anh Quốc.
Một công ty dầu khí khác của Anh Quốc, Premier Oil, cũng dò tìm và khai thác dầu khí ở biển Ðông trong vùng biển tranh chấp nhưng vì không có các quyền lợi ở Trung Quốc nên không cảm thấy sợ áp lực của Bắc Kinh.
Bản phúc trình nói BP mua lại một số hợp đồng đã từng thuộc về công ty ARCO của Mỹ đang hoạt động trong vùng biển Ðông tranh chấp, theo lời ông Stephen Lillie, giám đốc Sở Viễn Ðông tại Bộ Ngoại Giao Anh, nói với viên chức Tòa Ðại Sứ Mỹ ngày 21 tháng 4, 2008. Tuy nhiên, các dự án này vẫn tiến hành và không bị áp lực của Bắc Kinh. Sau đó (thấy không có gì trở ngại) BP bắt đầu khai triển các dự án mới ở khu vực mà cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.
Năm 2007 thì Bắc Kinh bắt đầu áp lực các công ty của Anh Quốc và các công ty ngoại quốc khác phải ngừng hoạt động hay phải tiến đến các thỏa hiệp riêng với các công ty của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại Giao Anh Quốc, Trung Quốc không đề cập gì đến các dự án đang khai thác nhưng lại nói rõ rằng nếu cứ tiến hành các dự án mới (với Việt Nam), sẽ có hại cho các dự án khác của BP ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Anh Quốc coi sự đe dọa rất nghiêm trọng vì BP là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc có trị giá tài sản lớn nhất ở Trung Quốc, theo lời ông Lillie.
Ðồng thời, nhà cầm quyền Việt Nam, cũng là nước ký kết hợp đồng cho phép BP hoạt động ở vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền, cũng cho BP hay là các dự án của họ ở Việt Nam sẽ có trở ngại nếu cứ nhượng bộ theo đòi hỏi của Bắc Kinh.
Theo bản phúc trình, cả Trung Quốc cũng như Anh Quốc không hề nêu vấn đề này trực tiếp trên mặt ngoại giao cho dù đầu năm 2008, cả Thủ Tướng Brown và Ngoại Trưởng Milibrand đều tới Bắc Kinh.
Phúc trình nói BP không yêu cầu chính phủ Anh Quốc can thiệp nhưng tìm cách giữ thể diện, dưới một hình thức kinh doanh để giải quyết tranh chấp, bằng cách tìm các dự án thay thế, hoặc khu vực cho các dự án mới, ngay ở trong vùng biển Ðông.
Ông Lillie cho hay một dự thảo thỏa thuận đã được đệ nạp trong hệ thống quyền lực Bắc Kinh nhưng đã bị khựng lại trước thái độ cứng rắn của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh.
Nhưng dù sao, theo ông Lillie, cuối cùng, BP tin rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy thoải mái hơn nếu BP tiến hành các dự án thay vì để cho các công ty của Ấn Ðộ chen vào thay thế. Có tin đồn các công ty Ấn điều đình với Việt Nam để trám chỗ mà Bắc Kinh không có nhiều ảnh hưởng.
Ngày 21 tháng 3 năm 2009, khi báo chí ngoại quốc hỏi tại sao BP rút khỏi các lô 5.2 và 5.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội, Lê Dũng, (nay là tổng lãnh sự ở Houston, TX) nói “Theo chúng tôi được biết, tập đoàn dầu khí BP đang trong quá trình đàm phán với Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam để chuyển hướng kinh doanh ra khỏi dự án thăm dò dầu khí tại lô 5.2 và 5.3. Quyết định này của BP là do các yếu tố thuần túy thương mại và kỹ thuật”.
Ðiều đáng nói là tuy áp lực BP rút khỏi các dự án đã ký với Việt Nam ở biển Ðông, Bắc Kinh không hề áp lực các các công ty dầu khí quốc tế đối với các dự án họ ký với các nước Indonesia, Malaysia, Brunei tại vùng biển tranh chấp. Dù năm 2009, người ta thấy Bắc Kinh phản đối các dự án dò tìm khai thác dầu khí của Phi Luật Tân ở khu vực Reed Bank, cho tới nay, không có công ty quốc tế nào bỏ chạy và rút khỏi hợp đồng ký với Phi.
Ðầu tháng 12 năm 2010, Wikileaks cho hay họ có hơn 2,300 bức mật điện từ Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội và hơn 800 bức mật điện từ Tòa Tổng Lãnh Sự ở Sài Gòn về các chuyện liên quan đến Việt Nam. Ðến nay, mới chỉ có rất ít được nhóm này xì ra cho báo chí.
Một trong những mật điện đó nói về tình hình nội bộ chóp bu đảng CSVN, các lãnh tụ tương lai, ai sẽ làm gì sau kỳ đại hội đảng XI.

No comments:

Post a Comment