Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 22, 2011

tin van


Trạm xăng nâng giá, bán nhỏ giọt


VIỆT NAM (TH) - Ngày Chủ Nhật 20 tháng 2, rất nhiều trạm xăng tiếp tục nghỉ bán. Tuy nhiên, tại hai tỉnh Long An và Nghệ An, một số trạm xăng mở cửa bán cho khách hàng với giá cao hơn giá niêm yết khoảng 1,500 đồng/lít. Giá xăng “mới” mặc dù chưa chính thức lên tới 17,500 đồng/lít, tức vào khoảng 3.5 Mỹ kim/gallon.

Tuy vậy, không phải ai mua cũng có. Số lượng xăng bán ra nhỏ giọt. Có người vừa chạy vội tới đã gặp phải cái lắc đầu của người bán: “Hết xăng!”

Trong ngày này, một số nông dân tỉnh Long An xách thùng nhựa đi mua dầu DO dùng cho máy gặt nhưng chỉ mua được một nửa số lượng với giá đắt hơn giá niêm yết 6.5%, tức phải mua giá 15,700 đồng thay vì 14,750 đồng một lít dầu DO. Giá xăng cũng đã leo lên tới 18,000 đồng/lít thay vì 16,400 theo giá niêm yết.
Tại một số trạm xăng đóng cửa, các đội quản lý thị trường chia nhau đi lục soát xác nhận các bồn xăng đều đã trống không. Trong khi đó, các công ty nhập cảng dầu đều tuyên bố mạnh mẽ rằng “hàng nhập về đúng hạn ngạch” và “sản lượng dầu nhập cảng hàng tháng không giảm sút”. Một tổng đại lý xăng dầu ở Ðồng Nai còn tuyên bố rằng “chuyện đứt hàng nếu xảy ra là vì vận chuyển chứ xăng không thiếu”.

Còn tại thành phố Ðà Lạt hôm 20 tháng 2, theo báo Tuổi Trẻ, phía trước các trạm xăng treo bảng hiệu “nghỉ bán” xuất hiện đầy dẫy các thùng nhựa bán xăng lẻ. Phía trước cây xăng Hồng Hưng, đường Phan Ðình Phùng, người bán xăng lẻ để bảng 20,000 đồng/lít. Với giá này vẫn có người “nghiến răng” mua vì xe gắn máy không thể chạy mà thiếu xăng. Tình cảnh này làm người dân nhớ lại những năm tháng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Xăng bán lẻ đầy đường Sài Gòn với một can nhựa nhỏ đặt trên cục gạch.

Trong khi Ðồng Nai bán xăng cầm chừng, một số trạm xăng ở Bình Dương bán xăng “hạn chế”: Mỗi chiếc xe gắn máy chỉ được đổ tối đa 30,000 đồng tiền xăng, tức chỉ vào khoảng nửa bình xăng.
 
Sài Gòn lo thiếu nước ngọt
 
Cát Lái, Thủ Thiêm nhiễm mặn

SÀI GÒN (TT) - Phúc trình của ngành thủy văn trong nước báo động Sài Gòn sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô này.


Phúc trình tháng 2 của đài Khí Tượng Thủy Văn Nam Bộ nói rằng sông Ðồng Nai, Nhà Bè, Thủ Thiêm, Cát Lái đang bị nhiễm mặn nặng nề. Tất cả các chỉ số nhiễm mặn đo được tại các con sông lớn miền Nam đều tăng gần gấp rưỡi. Tại sông Nhà Bè, tỉ lệ đo được là 14.6g/lít, tăng thêm 6g/lít; sông Vàm Cỏ Ðông (Long An), sông Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh), Ðại Ngãi (Hậu Giang) độ nhiễm mặn tăng 3.3-13g/lít...

Ðộ nhiễm mặn sông Sài Gòn, Ðồng Nai cũng đã đồng thời lên tới 4-5g/lít trong khi tiêu chuẩn nguồn nước cung cấp cho nhà máy lọc nước không được phép vượt quá 0.25%. Hiện nay, độ nhiễm mặn đo được trên sông Sài Gòn khu vực cung cấp nước cho trạm bơm Hòa Phú đã vượt khỏi ngưỡng 0.27%.

Theo báo Tuổi Trẻ, chỉ trong một tuần lễ đầu tháng 2 năm 2011, người ta đã xả 25 triệu thước khối nước hồ Dầu Tiếng vào sông Sài Gòn để rửa mặn. Ngày 13 tháng 2, thêm 23 triệu thước khối nước hồ Dầu Tiếng được xả thêm vào sông Sài Gòn để “rửa mặn” cho nguồn cung cấp nước đổ vào nhà máy Tân Hiệp.

Hồ Dầu Tiếng đang cạn dần. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Ðiều đáng lo là hồ Dầu Tiếng đang bị cạn dần. Ngày 18 tháng 2 vừa qua, mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn 2m so với mực nước cùng ngày năm ngoái, chỉ còn cách mực nước chết 3m. Tình trạng này không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cho đồng ruộng mà còn đe dọa không đủ nước ngọt cho đời sống hàng ngày của hàng triệu cư dân Sài Gòn.

Ngay từ đầu năm 2011, Sài Gòn đã đặt vấn đề tiết kiệm nước sử dụng trong khi nhà máy nước Thủ Ðức dọa ngừng hoạt động nếu tỉ lệ nhiễm mặn của sông Ðồng Nai vượt quá 0.25 g/lít.

Các tỉnh miền Tây cũng đang sốt vó vì nước mặn xâm nhập vào đất liền 40 cây số và đến trước một tháng so với hàng năm. Ðã có hàng chục ngàn ha lúa chết trắng và hàng trăm ngàn mẫu ruộng đồng ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang... đang bị đe dọa. Người dân bắt đầu dùng xe máy cày chở bồn đi bán nước cho cư dân Bình Ðại, Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre và huyện Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Tiền Giang cũng đang báo động về tình trạng thiếu nước ngọt để xài đe dọa 200,000 cư dân.

No comments:

Post a Comment