Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

Thị trường cà phê Việt Nam khủng hoảng

Cà phê robusta nhân xô ở Tây nguyên đã vượt qua mức 41 ngàn đồng/kg vào ngày 14/2. Nông dân trữ cà phê hưởng lợi trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu kêu cứu vì công ty nước ngoài thu mua trái luật. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.

Ai được phép mua cà phê trực tiếp từ nông dân

Đây là mức giá ước mơ của người trồng cà phê ở các tỉnh Tây nguyên qua tác động thu mua cạnh tranh và đầu cơ. Cà phê đứng giá cao khá lâu từ trước Tết, tiếp tục tăng giá và khó mua. Theo các thông tin từ ngành cà phê, khoảng 360.000 tấn cà phê đang được các công ty 100% vốn nước ngoài lưu giữ trong kho ngoại quan và cả trong kho các doanh nghiệp trong nước cho thuê. Niên vụ cà phê 2010-2011 khởi sự từ tháng 10 năm ngoái nhưng cho đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 30% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp này được phép tổ chức thu mua trực tiếp từ nông dân cho nhu cầu chế biến, nhưng lại kèm thêm việc xuất khẩu nguyên liệu. Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam VICOFA qua thông báo ngày 14/2, gọi hoạt động này là việc làm trái pháp luật của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo VICOFA Việt Nam mở cửa thị trường cà phê và thực thi cam kết WTO theo các văn bản năm 2007 của Bộ Công thương. Theo đó mặt hàng cà phê không thuộc bộ tính hạn chế quyền xuất khẩu. Quyền xuất khẩu
Trái cà phê chín mới được hái xuống. AFP Photo
Trái cà phê chín mới được hái xuống. AFP Photo
là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu. Nhưng quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.
Trả lời Nam Nguyên tối 14/2, Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhận định:
“Vừa rồi có văn bản của Bộ Công thương trả lời là các doanh nghiệp nước ngoài không được tổ chức kinh doanh thu mua hàng hóa trong dân. Thực ra là để tránh trốn lậu thuế, nhưng doanh nghiệp nước ngoài vận dụng là họ có nhà máy chế biến nên được phép mua, vì thủ tục là nhà máy nằm tại địa phương và địa phương đó chứng nhận, nhưng khi họ đã mua đến tận dân rồi, mà cái giá họ mua làm cho các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được.
Thành ra lủng củng ở việc đấy, họ làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam bị thua nên mới làm ầm lên thì đương nhiên là phải có bằng chứng, vì hiện nay họ đang thu mua cùng mặt bằng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thường mua giá rất thấp. Thí dụ hôm nay (14/2) các doanh nghiệp nước ngoài mua từ 43.300 tới 43.500đ/kg trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không thể mua giá này vì bị lỗ, còn mua 43.000đ/kg thì không ai bán.
Về mặt hiện tượng thì như thế doanh nghiệp nước ngoài là tốt, nhưng nếu khi các doanh nghiệp Việt Nam chết rồi thì họ đâu có cần phải mua giá đó nữa đâu. Điều quan trọng nhất là phải cùng tồn tại, đòi hỏi hiện nay là cùng tồn tại và cạnh tranh phải công bằng.”

Sự cạnh tranh không cân sức

Được yêu cầu nhận định về những lời kêu cứu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cũng như thông báo của VICOFA, Ông Đoàn Triệu Nhạn một trong những chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất của ngành cà phê Việt Nam nói rằng, ông ủng hộ những gì Việt Nam ký kết với WTO. Ông nhấn mạnh:“Chúng tôi đang muốn mời nước ngoài đầu tư vào khâu chế biến, thí dụ như Olam họ làm ở Long An một nhà máy 4.000 tấn, chúng tôi rất hoan nghênh, chúng tôi đi dự lễ khánh thành thấy rất phấn khởi. Đẩy mạnh chế biến để có thể bán cà phê giá trị gia tăng, thế còn chuyện thu mua quan điểm của tôi là hoan nghênh vì Việt Nam đang mở cửa và hội nhập mà.
Tuy vậy câu chuyện này rõ ràng là trong sự cạnh tranh đó các ‘lực sĩ’ doanh nghiệp Việt Nam đang yếu thế vì chẳng có vốn, tất cả đều dựa vào vốn nhà nước, họ kêu như thế để nhà nước cho vay vốn.”

Trở lại cuộc nói chuyện của chúng tôi với ông Đỗ Hà Nam,chủ tịch câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Đáp câu hỏi phải chăng thị trường cà phê Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng, Ông Đỗ Hà Nam cho biết doanh nghiệp Việt Nam vốn ít, vay vốn ngân hàng rất khó khăn nếu được vay bằng tiền Đồng thì phải chịu lãi suất 17-19%, vay bằng USD thì lãi suất 6,5tới 7,5% trong khi doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ở ngoại quốc với lãi suất 4,5-5% một năm. Ông Đỗ Hà Nam tiếp lời:   “Thực ra có nhiều lý do, trong những năm vừa rồi các đơn vị kinh doanh do mua bán theo các sàn kỳ hạn của Luân Đôn, nên bị rớt vào các vòng xoáy của các nhà kinh doanh tài chính trên thế giới người ta điều khiển. Đi theo các sàn đó, các doanh nghiệp Việt Nam không có biện pháp đối phó, đã bị thua lỗ nhiều.
Do vậy ngân hàng rất ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam vay, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài cũng mua bán theo hình thức của sàn, nhưng họ chỉ mua trừ lùi…trừ lùi trên thực tế chỉ chốt một sàn nhờ vậy họ được hỗ trợ vốn từ nước ngoài, thứ nhất nguồn vốn đó rất là lớn, thứ hai lãi suất rất thấp, cho nên dẫn tới một loạt phát sinh không bình đẳng.
Bây giờ về nguyên tắc, nước ngoài được quyền, được hưởng, thì vấn đề bình đẳng chỉ là họ được làm cái gì thì làm cái đó, không được biến tướng.”
Chúng tôi cũng hỏi chuyện một thương nhân hoạt động trung gian mua bán cà phê cung cấp cho doanh nghiệp ở Tây nguyên, người này nhận định là cạnh tranh trong thu mua thường đẩy giá lên và điều này có lợi cho người trồng cà phê. Tuy vậy, ông tỏ ra ngạc nhiên về thông tin doanh nghiệp nước ngoài mở mạng lưới trực tiếp thu mua cà phê trong dân:
“Nói chung, đa số công ty nước ngoài là mua lại của doanh nghiệp, mua lại từ đại lý thôi, chứ người ta không trực tiếp đi vào dân. Hiện nay thực sự người dân còn lại rất ít, trong khi đa số đại lý còn lại nhiều. Dân những vùng chẳng hạn như Đăk Lak thì còn khá nhiều vì người trồng cà phê vùng này ít nợ nần, chứ ở Đăk Nông dân bán cho đại lý hết trơn.”
Một số nông dân chúng tôi hỏi chuyện đã nói rằng vụ cà phê này được giá họ rất phấn khởi, khi bán cà phê cho thương lái hay đại lý họ chỉ cần biết một điều là thuận mua vừa bán, không cần biết ai là người đứng sau lưng các đại lý này.
Việc các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất quá cao, không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài là một bài toán hóc búa. Nó liên quan tới chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái và sự cải cách thể chế tối cần thiết.     

No comments:

Post a Comment