Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 6, 2011

Tết ở Việt Nam

Những ngày này ở VN và nhiều quốc gia Châu Á, người dân đang tưng bừng đón mừng năm mới theo Âm lịch, là năm Con Mèo (với VN) và năm Con Thỏ (với các quốc gia khác). Ðây là lễ hội lớn nhất trong năm. Việt Nam cũng vậy. Tết Nguyên Ðán là cái Tết quan trọng nhất, được chờ đợi nhất.

Lễ Phật đầu năm ở một ngôi chùa ở Hà Nội. (Hình: VNExpress)

Những năm gần đây, nhìn chung đời sống của người dân trong nước có phần khá giả hơn nên người Việt ăn Tết cũng lớn hơn. Nhất là tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn, càng thấy rõ điều này. Nhiều hoạt động chào đón năm mới đã trở thành “truyền thống” như bắn pháo hoa, tổ chức phố hoa, chợ hoa... (năm nay lần đầu tiên Sài Gòn tổ chức lễ hội đường sách, nếu thành công thì hàng năm ở Sài Gòn sẽ lại có thêm một hoạt động thú vị). Các tụ điểm ca nhạc, sân khấu, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí cho đến truyền hình đều có những chương trình đặc sắc dành riêng cho dịp Tết... Vào đêm Giao Thừa, hàng triệu người ở các tỉnh thành trên cả nước đổ ra đường chào đón Xuân Tân Mão, các khu vực có bắn pháo hoa như hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc khu trung tâm Sài Gòn đông nghẹt người. Rõ là dân ta ăn Tết ta to hơn người dân ở nhiều quốc gia phương Tây ăn Tết tây!
Có những thói quen đã trở thành tính cách, tâm lý của người Việt. Thứ nhất là giàu nghèo gì cũng phải ráng lo ba ngày Tết. Thứ hai là thói quen ăn chơi xả láng khi Tết đến. Từ việc chuẩn bị đón Tết: làm đẹp cho mình, trang trí sửa soạn nhà cửa... đi mua sắm, tích trữ thực phẩm, dù bây giờ ngay trong ngày Tết vẫn có nhiều nơi mở cửa buôn bán, hàng hóa thức ăn tươi không thiếu, thế nhưng tâm lý người dân vẫn cứ mua sắm thật nhiều, lắm khi ra Tết lại phải đổ bớt đi vì dư thừa, hư thối. Bia rượu, nhậu nhẹt thoải mái. Những khu vui chơi chật ních người, nhà giàu thì đi du lịch xa, đổi không khí...
Bên cạnh những phong tục khá hay như xông đất, đi chùa hái lộc hay “xin chữ” (một phong trào mới trở lại mấy năm gần đây, khi những bức thư pháp tiếng Việt cũng đẹp không kém gì thư pháp chữ Hán, nhiều người có thói quen đi “xin” thầy đồ những chữ như “Phúc,” “Lộc,” “Thọ,” “An,” “Tâm”... về treo trong nhà), là những phong tục tập quán tốn kém như mừng tuổi cho trẻ con hay còn gọi là “lì xì,” đi chúc Tết “xếp”... Có nhiều người cả đời không dám mua về nhà một món đắt tiền nhưng Tết đến phải bấm bụng “đi Tết” xếp hoặc trả nghĩa cho người này người kia những món quà từ vài trăm đến vài ngàn USD, còn đám quan chức đàn em “đi Tết” cho các quan anh thì cả chục ngàn USD là chuyện bình thường. Và đi chùa với nhiều người không chỉ là một hành động mang tính tôn giáo, tâm linh mà còn để khấn vái cầu may, nhiều khi mang nặng sự mê tín hơn.
Tết với người này là tiêu tiền, với người khác là dịp kiếm tiền - mưu sinh ba ngày Tết có khi bằng cả tháng ngày thường nên nhiều người hy sinh ngày Tết, lo làm ăn kiếm tiền, nhất là dân nhập cư hoặc những sinh viên xa nhà lên thành phố lớn trọ học. Nhưng cũng vì thói quen tiêu xài rộng rãi ba ngày Tết của người Việt nên mới có tâm lý “chặt chém” vô tội vạ của một số người bán hàng rong, hàng quán, các dịch vụ như giữ xe, cho đến xe ôm, taxi... trong dịp Tết. Năm nào báo chí cũng có bài phản ánh những hiện tượng này. Nhiều người còn nhân dịp này “làm ăn” theo kiểu thất đức như rải đinh trên đường để người đi xe gắn máy bị nổ lốp, phải vá, họ nhân đó “chém” một miếng vá vài chục ngàn đồng VN. Chưa kể, lắm người khi xe bị cán phải đinh, loạng choạng mất thăng bằng rồi té ngã, có khi bị tai nạn giao thông chết thảm như báo Người Lao Ðộng số ra ngày 4 tháng 2 có bài “Ðinh tặc hoành hành ngày Tết” đã nêu lên.
Ngày Tết, ở VN, tai nạn các kiểu cũng nhiều hơn. Từ ngộ độc thực phẩm, say rượu bị trúng gió, đột quỵ, cháy nhà do... thắp nhang cúng (!)hoặc tai nạn giao thông... Báo Lao Ðộng ngày 4 tháng 2 đưa tin: “Gần 5,000 trường hợp tai nạn vào cấp cứu tại các bệnh viện”: Báo cáo nhanh của Bộ Y Tế chiều 4 tháng 2 (mùng 2 Tết) cho biết, trong 4 ngày Tết Tân Mão (từ 31 tháng 1 đến 4 tháng 2) cả nước có gần 5,000 trường hợp tai nạn vào cấp cứu tại các cơ sở y tế và không có dịch bệnh xảy ra.”
Ngộ độc không chỉ do đi ăn hàng quán chế biến mất vệ sinh mà ngay thực phẩm mua về, từ mứt Tết có chất tẩy trắng công nghiệp mà Sở Thanh Tra Y Tế TP.HCM đã phát hiện khi thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, những mặt hàng siêu bẩn trong dịp Tết như bánh kẹo, mứt, hạt dưa nhuộm phẩm màu, nem chua... không có nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho đến gà thải loại của Trung Quốc giả làm gà ta... Từ nhiều năm nay, báo chí VN nhiều lần lên tiếng về những sản phẩm độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có những vụ cả thế giới cũng phải bàng hoàng như vụ sữa trẻ em bị nhiễm độc tố melamine. Hay nhiều mặt hàng khác thế giới chưa biết mà người tiêu dùng ở Việt Nam, do đường nhập lậu từ biên giới, đã bị tai họa từ hoa quả có phun chất tăng trưởng, chất bảo quản; gia vị, tương, ớt bột... có chứa độc tố cho đến trứng gà giả, và mới đây nhất, là gạo giả xuất hiện tại Trung Quốc.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 1: “Báo The Korea Times dẫn nguồn từ tuần báo Hong Kong cho biết gạo giả được làm từ khoai tây hoặc khoai lang xay nhuyễn, tạo hình thành hạt gạo rồi sau đó đem trộn với nhựa cao su tổng hợp để định hình và tạo độ trắng cho hạt gạo. Loại gạo này đang xuất hiện ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.”
Báo trên dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Hội Liên Hiệp Các Nhà Hàng ở Trung Quốc cho biết: “Nếu ăn ba chén cơm nấu từ gạo trên sẽ tương đương với ăn một túi nhựa vinyl.” Nhựa vinyl là loại nhựa dùng trong ngành công nghiệp sản xuất áo mưa, đĩa hát và bìa cứng...”! Ngày thường đã vậy, ngày Tết hàng hóa các loại tràn ngập, hàng giả hàng thật càng khó lường!
Càng ngày ở VN khoảng cách giàu nghèo càng rõ khi Tết đến. Giữa các ngành nghề, chức vụ khác nhau, có những nơi thưởng Tết hàng trăm triệu đồng VN và có những ngành như giáo viên, dăm bảy trăm ngàn, công nhân một, hai trăm ngàn đồng VN. Khoảng cách trong thu nhập dẫn đến khoảng cách trong mức độ ăn chơi tiêu xài. Và giữa các thành phố lớn với các thành phố nhỏ, vùng sâu vùng xa, hoạt động tổ chức vui chơi, đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần ba ngày Tết cũng khác xa nhau. Dân tỉnh lẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn hẳn. Mùa Tết này, với rất nhiều gia đình ở miền Trung bị mất tài sản, mất người thân trong những đợt bão lũ vừa qua hay những gia đình ngư dân có người nhà bị chết khi đi biển, đã phải đón Tết trong cô quạnh, nghèo đói. Bức tranh xã hội sẽ ngày càng nhiều khoảng màu tương phản đậm nét.
Ăn nhiều, chơi nhiều nên khi đi làm lại, tâm lý mệt mỏi vẫn còn kéo dài mấy ngày sau. Chưa kể trước Tết một, hai tuần lễ, đã có tâm lý chờ đợi Tết - tính ra thời gian làm việc bị mất hiệu quả ít nhất là hai tuần. Ðã có nhiều ý kiến muốn cải cách việc ăn Tết. Tờ Tuần Việt Nam có hẳn mấy bài về chủ đề này: “Nên cải biến cách ăn Tết,” “Tết ta: ăn chơi theo kiểu Việt hay Tây?” Thậm chí có ý kiến VN nên học theo Nhật Bản, bỏ hẳn Tết âm lịch vì dù sao đi nữa, Tết âm lịch cũng là từ văn hóa Trung Quốc mà ra. Chắc chắn đa số người VN sẽ phản đối điều này vì nếu bỏ Tết, người Việt không còn cái lễ hội nào lớn, nhiều phong tục tập quán đặc sắc, quy tụ được lòng người như vậy. Nhưng rõ ràng ăn chơi quá mức như lâu nay là một sự lãng phí. Ðã nghèo lại chơi sang. Ðất nước vì thế càng khó vượt lên, bứt phá cho bằng với nước người ta.
Người Việt thường lạc quan. Dù năm cũ có nhiều xui xẻo buồn phiền thì mùa Xuân đến, cũng luôn đem lại những niềm hy vọng mới. Cho mình, cho gia đình, người thân. Và cho đất nước. Năm nào người dân, dù đang sống ở trong nước hay đang đón Tết lặng lẽ ở xứ người, cũng hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn cho đất nước. Năm nào báo chí cũng nói về những vận hội mới, “thế rồng bay,” đà cất cánh v.v...
Mong cho một ngày đất nước thực sự thay đổi, mọi tiềm năng của dân tộc sẽ được giải phóng hết mức để có thể vươn lên bắt kịp với các quốc gia khác, hòa vào dòng chảy của toàn thế giới, bởi đất nước này lẽ ra phải có một tầm vóc khác, dân tộc này lẽ ra phải được sống trong một môi trường xã hội nhiều lần khá hơn thế!

No comments:

Post a Comment