Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 22, 2011

Rùa Hồ Gươm và vấn đề môi trường

Những ngày này, người Hà Nội tập trung sự chú ý vào tình hình của con rùa hồ Gươm nổi tiếng vì có những tin tức liên tiếp đưa về cho biết rùa hồ Gươm đang bị nhiều vết thương nghiêm trọng và có dấu hiệu sức khỏe suy giảm.
Thậm chí đã có một cuộc hội thảo quốc tế để tìm giải pháp cho rùa hồ Gươm. Người Hà Nội nghĩ gì về vấn đề này, và bài học rút ra từ chuyện rùa hồ Gươm là gì?

Dấu hiệu rùa bị thương

Đối với rất nhiều người Hà Nội từ lâu nay, chuyện rùa hồ Gươm cứ lâu lâu lại nổi lên lúc thì cái đầu, khi thì cả cái thân chả có gì lạ. Mặc dù vậy cứ mỗi lần rùa nổi thì cũng vẫn cứ khiến nhiều người quây lại quanh hồ chỉ chỏ, bàn tán xôn xao. Trong vài tháng nay, chuyện rùa hồ Gươm nổi lên nhiều lần không những khiến người dân lao xao mà còn cả các chuyên gia phải lo lắng vì đã có những dấu hiệu cho thấy rùa bị thương và sức khỏe đang giảm sút.
Giáo sư Hà Đình Đức, người đã có 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm cho biết đây không phải là lần đầu tiên rùa bị thương, nhưng lần này có nhiều khác biệt:
“Thực ra trước đây cụ đã từng có lần bị thương năm 1998, nhưng sau đó vết thương đó lành, vết thương ở cổ. Nhưng lần này vết thương ở cổ là một vết khác mà nhìn ảnh thì nó còn xơ ra, trên mai cụ cuối năm 2010 thì mai trơn tru. Còn bây giờ bờ mai xứt, như là gặm nham nhở. Trên lưng và nhiều nơi bị bợt trắng như là bị mốc. Vừa rồi hôm mùng 2 thì có một anh chụp ảnh cho tôi thì cụ đưa bàn chân lên thì thấy rõ có 3 móng thì chân móng không trơn tru bình thường.”
Cũng chính bởi những phát hiện không bình thường này mà giáo sư Hà Đình Đức đã đề nghị các cấp lãnh đạo Hà Nội tìm giải pháp đưa rùa lên bờ và chữa trị kịp thời.
Đề nghị của ông cũng nhận được nhiều sự đồng tình từ các chuyên gia trong nước và người dân. Tuy nhiên các chuyên gia nước ngoài tại hội thảo quốc tế về rùa hồ Gươm vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 15 tháng 2 lại cho rằng không nên đưa rùa lên lúc này vì những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình đưa rùa lên bờ.
Giáo sư Hà Đình Đức cho rằng hội thảo, họp bàn nhiều bây giờ là rất phức tạp và càng bàn thì càng rối khiến việc đưa rùa lên bờ sẽ càng chậm trễ. Theo ông, nếu không cứu chữa kịp thời, có vấn đề gì xảy ra với rùa thì sẽ là điều đáng tiếc:
“Thực tế ra cụ rùa là linh hồn của hồ Gươm và là nhân chứng sống về truyền thuyết hoàn gươm, cho nên mỗi lần cụ rùa nổi lên là người ta lại nhớ đến trang sử chống giặc ngoại xâm oai hùng thế kỷ 15, đây là một bài học giáo dục lịch sử mà không cần sách vở gì cả. Cứ đời này qua đời kia truyền nhau như thế. Nhiều người quan niệm là những lần được trông thấy cụ rùa nổi lên là may mắn. Tôi nhận được nhiều tin người ta viết thư, gọi điện cho tôi rất cảm động. có người ở bên Nga, có người ở giàn khoan Vũng Tay cũng gọi điện cho tôi bao lần. Cho nên có thể nói nếu có chuyện gì xảy ra thì quả là một hẫng hụt lớn vì cái linh thiêng của hồ Gươm bị ảnh hưởng, vì rùa hồ Gươm là linh hồn của hồ Gươm mà hồ Gươm là bộ mặt của thủ đô Hà Nội cho nên bảo vệ được cụ rùa và bảo vệ được hồ Gươm là giữ được bộ mặt của Hà Nội.”


Nhận xét của giáo sư Hà Đình Đức về ý nghĩa của rùa hồ Gươm cũng nhận được sự đồng tình của một số người dân Hà Nội. Anh Nguyễn Việt Sơn, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cho biết:
Bây giờ nó gắn bó quá lâu rồi thì liệu nếu nó mất đi thì có gây đau xót không. Đúng, có gây đau xót, gây nỗi buồn cho những người hay đi ngang qua hồ, hay cho những người chuyên tim hiểu nghiên cứu về rùa Hoàn Kiếm. Người ta sẽ buồn, nhưng không có nghĩa là nỗi buồn kéo dài quá lâu. Người ta sẽ nhắc đến con rùa đó như một nét của Hà Nội và nhắc nhở rằng vì lối sống của người Hà Nội mới mà con rùa đó đã chết đi để nhắc nhở thế hệ mai sau đừng sống như người Hà Nội bây giờ đã sống.”

Bài học môi trường?

Anh Sơn cho rằng việc rùa bị thương hay sức khỏe suy giảm có một phần lớn nguyên nhân là do hồ Gươm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác rưởi vứt xuống lòng hồ. Chính giáo sư  Hà Đình Đức cũng cho rằng nguyên nhân rùa bị thương là do các rác rưởi và chướng ngại vật dưới lòng hồ và do rùa tai đỏ được dân chúng phóng sinh xuống hồ đang cạnh tranh môi trường sống của rùa hồ Gươm.
Vấn đề rác rưởi và ô nhiễm nước hồ Gươm vốn từ lâu đã là chủ đề được bàn thảo nhiều lần trong các hôi nghị, hội thảo và trên báo chí. Nước trong hồ vốn là nước đọng hàng trăm năm không có chỗ thoát nên khả năng dễ bị ô nhiễm lại càng cao. Từ năm 1996, Hà Nội đã chặn toàn bộ các đường ống nước thải dẫn vào hồ, thế nhưng lại không thể ngăn cản người dân vẫn tiếp tục vứt rác rưởi xuống lòng hồ. Anh Nguyễn Việt Sơn đau xót nói:
“Cứ ngày 23 tết, chị ra hồ Gươm thì đủ loại người, người ta ném xuống hồ tro hóa vàng, bát hương vân vân, khiến cho hồ không còn trong sạch nữa.”
Việc vứt rác xuống hồ phản ánh ý thức của người Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh chung, bởi ngay kể cả khi đã có các thùng rác được bố trí quanh hồ, người dân vẫn thản nhiên ngồi ăn và vứt rác xuống hồ. Bạn Nguyễn Trinh, một người dân Hà Nội cho biết:


“Hồ Gươm là đặc trưng của Hà Nội mà nó bẩn lắm. Có lần em đi qua mà bọn học sinh chơi ở đó. Chúng nó ăn uống xong vứt hết xuống đó, có thùng rác ngay đấy chúng nó cũng không bỏ vào, chúng nó quen rồi, ý thức kém lắm.”
Còn nhớ, hồi đầu tháng 11 năm 2009, Hà Nội đã phát động chiến dịch toàn dân không đổ rác ra đường. Hà Nội thậm chí có ban hành quy định chống đổ rác với các mức phạt hành chính cụ thể. Nhưng xem ra cho đến lúc này, người Hà Nội vẫn chưa thấy kết quả của các chiến dịch xanh sạch đẹp đó của thành phố thể hiện ngay trên hồ Gươm, trái tim của thành phố.
Kết thúc buổi hội thảo quốc tế tìm cách cứu rùa hồ Gươm, Giám đốc sở khoa học và công nghệ Hà Nội cho biết biện pháp trước mắt Hà Nội sẽ làm là thu dọn rác rưởi và chướng ngại vật dưới lòng hồ. Hà Nội cũng tính đến việc tiếp tục nạo vét lòng hồ, cải tạo bờ kè ở tháp rùa để rùa có thể lên đảo phơi nắng. Tuy nhiên, việc đưa rùa lên bờ vẫn chưa được chính quyền Hà Nội tính đến trong lúc này.

No comments:

Post a Comment