Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 16, 2011

Nhiều nhà báo bị giết khi tác nghiệp

Việc nhà báo Lê Hoàng Hùng, báo Người Lao Động bị thiêu chết tháng trước là một hiện tượng mới ở Việt Nam.
Tuy nguyên nhân của cái chết chưa được xác định nhưng việc này đã gây ra quan ngại cho nhiều người bởi vì trên thế giới đã có rất nhiều nhà báo bị hãm hại.

Một nghề nhiều rủi ro

Sẽ có rất ít người cho rằng nghề báo chí là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm trên thế giới. Thế nhưng, dù tin hay không, đã có rất nhiều nhà báo bị giết và cầm tù trong quá trình tác nghiệp. Theo nhà báo kỳ cựu của đài CNN, Anderson Hays Cooper, trong một video tài liệu nói về những cái chết của các nhà báo, ông cho rằng:
“Để trở thành một nhà báo giỏi, bất kể là người đó dùng máy ảnh, máy vi tính hay bút mực thì ký giả đều phải tiếp cận con người, ý kiến, sự kiện…và đôi khi cả nguy hiểm nữa”.
Trả lời đài Á Châu Tự Do, ông Shawn Crispin, là đại diện cao cấp vùng Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ cho rằng vấn đề nằm ở địa điểm tác nghiệp. Ông nói:
“Điều đó còn tùy thuộc vào việc nhà báo ấy làm việc ở đâu. Ví dụ ở một số nước Châu Á thì báo giới gặp rất nhiều nguy hiểm. Dựa theo nghiên cứu mà chúng tôi có được, nhà báo ở đó thường xuyên gặp khó khăn khi lấy tin về tham nhũng, nạn đốn gỗ trái phép, hay những vụ buôn lậu. Ví dụ như ở Phillipnes, nhiều nhà báo bị giết. Đặc biệt, ở những vùng ngoại thành thì mức độ nguy hiểm càng tăng cao.”
Theo thống kê của CPJ, Philippines là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất cho ký giả. Mỗi năm luôn luôn có nhà báo bị giết ở nước này. Đặc biệt vào tháng 11 năm 2009, một vụ thảm sát và chôn tập thể ít nhất 58 người trong đó có 31 nhà báo ở Mindanao đã làm rúng động giới truyền thông thế giới.
Trước cuộc bầu cử ở thống đốc ở Mindanao diễn ra vào tháng 5, sáng ngày 23 tháng  11 năm 2009, các nhà báo, người nhà cùng những người ủng hộ ứng cử viên Ismael Manguadadatu đi nộp đơn ứng cử thì bị khoảng 100 tay súng chặn đoàn xe và bắt cóc. Các tay súng này được cho là người của dòng họ Ampatuan, đối thủ chính trị của ông Ismael Manguadadatu. Trong buổi sáng hôm đó, một xe khác chạy sau đoàn xe này cũng trở thành nạn nhân. Tổng cộng, có ít nhất khoảng 58 người bị giết và xác các nạn nhân bị chôn chồng chất tại một hố sâu 2 mét. Trong các nạn nhân xấu số, có khoảng 31 nhà báo.
Vụ thảm sát này đã làm người ta có thêm lý do tin rằng lý do chính trị là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho nhà báo.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết, chỉ tính từ năm 1992 cho đến nay, sau khoảng gần 20 năm đã có khoảng 850 ký giả bị giết, nhiều nhất là vì lý do chính trị, chiến tranh, tham nhũng, nhân quyền và tội phạm. Trong đó, 39% ký giả bị giết khi tác nghiệp vì lý do chính trị.

Chưa được bảo vệ đúng mức

Ngoài những lý do đó, những nơi nguy hiểm cho ký giả là nơi mà các băng đảng ma túy hoành hành. Thống kê của chiến dịch Press Emblem Campaign PEC cho thấy 105 nhà báo bị giết trong năm ngoái, trong đó Mexico và Pakistan bị PEC đánh giá là một trong những xứ xở chết chóc nhất cho phóng viên. Ông Shawn Crispin cho biết thêm:
“Những khu vực khác ngoài Châu Á cũng tương tự như  vậy, tức là có những nơi gây nguy hiểm cho các nhà báo. Chẳng hạn như tại Mexico, khi phóng viên lấy tin về tệ nạn buôn bán ma túy, thì họ có thể trở thành mục tiêu trả thù của những người buôn bán ma túy này”.


Năm 2010, đã có 14 nhà báo bị giết ở Mexico từ các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và các băng nhóm ma túy.
Một câu chuyện khác xảy ra ở Brazil. Năm 2002, điều tra viên đồng thời là phóng viên nổi tiếng ở Brazil, Tim Lopes, đã bị băng đảng ma túy bắt cóc, hành hạ và sát hại.
Là một nhà báo “chìm”, vào buổi tối trước khi bị sát hại, Tim tham dự một buổi tiệc và lén quay phim nơi đây bởi vì Tim đang điều tra về các băng đảng ma túy và mại dâm. Băng nhóm này thấy ánh đèn lóe lên từ túi xách của phóng viên này nên nghi ngờ và  bắt cóc Tim ngay lúc đó. Phóng viên này bị trói lại, bị bắn và bị hành hạ. Băng đảng ma túy đã hành hạ Tim cho đến khi kiệt sức và chặt tay chân Tim thành nhiều khúc rồi phóng hỏa.
Có rất nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến các cái chết của ký giả. Theo CPJ, trong khoảng 850 ký giả chết trong lúc tác nghiệp từ năm 1992, có khoảng 600 người bị ám sát. Năm 2002, Daniel Pearl, trưởng ban vùng Nam Á của tờ Wall Street Journal, đã bị người thuộc tổ chức Al–Qaeda bắt cóc và giết hại ở Pakistan.
Trong khi tìm hiểu thông tin về đường dây Al–Qaeda, Daniel đã bị chính những người thuộc  tổ chức Al–Qaeda đã gài bẫy để bắt cóc. Chín ngày sau đó, người ta tìm thấy xác của Daniel bị cắt làm 10 mảnh và chôn ở vùng ngoại ô Karachi, Pakistan. Cái chết của Daniel đã để lại nhiều đau buồn cho gia đình và đồng nghiệp. Trong video tài liệu nói về những cái chết của các nhà báo, cha mẹ Daniel kể lại cảm giác của mình lúc nghe tin dữ rằng:
“Một ngày kia cảnh sát đến với nét mặt nghiêm trọng, chúng tôi biết là tin dữ đã xảy ra”.
Và đồng nghiệp của phóng viên này cũng nói trong video ấy rằng:
“Khi cảnh sát nói với vợ Daniel rằng Daniel đã chết, phải nói đây là tin xấu mà chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi thật sự không biết nói gì”.
PEC đã thống kê được trong 5 năm trở lại đây, khoảng 530 nhà báo bị giết. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 1, đã có 5 nhà báo bị giết. Nạn nhân gần đây nhất là Ahmad Mohamed Mahmoud, bị bắn chết vào cuối tháng 1 ở Ai Cập. Phóng viên này bị bắn khi đang quay phim cảnh chạm trán giữa lực lượng an ninh chính phủ và người biểu tình. Trước đó 2 tuần, phóng viên ảnh Lucas Mebrouk Dolega cũng bị chết do chấn thương đầu từ cuộc biểu tình ở Tunisia.
Rất nhiều nhà báo vị giết và rất nhiều lý do. Nhiều người cho rằng, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc này, nhưng nếu chính phủ các nước có những hành động cụ thể thì số ký giả thương vong sẽ giảm đi. Ông Shawn Crispin cho biết:
“Chính phủ cần bảo vệ ký giả và đảm bảo rằng ký giả có thể tác nghiệp trong một môi trường an toàn. Nhưng có điều là chính phủ một số quốc gia không coi trọng việc đó”.

No comments:

Post a Comment