Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 16, 2011

Nhân việc ĐTGM Leopoldo Girelli được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam


Trong hoàn cảnh hiện nay, theo ý kiến chung được dư luận chấp nhận rộng rãi, quyền mục vụ của các giám mục trên một ‘đoàn chiên’ riêng hay trên Hội thánh toàn cầu đều xuất phát từ ĐGH, chẳng những bởi vì ngài chọn gọi các vị được tấn phong mà còn bởi vì quyền mục vụ trong Hội thánh chỉ có thể được thực hiện bởi Giám Mục Roma.
Ngày 7.2.2011 trên mang Nữ Vương Công Lý, tác giả Lại Thế Lãng ở Vermont (USA) có bài viết đề là : Vì sao ĐTGM Leopoldo Girelli gửi thư cho HY Phạm Minh Mẫn ?, tôi đọc thấy trong đó câu này : “Hiện nay, vai trò của giám mục được xác định là người kế vị các thánh Tông Đồ. ĐGH cũng là vị kế vị các Tông Đồ, đứng đầu là thánh Phê-rô, nhưng cũng là kế vị Một Tông Đồ. Các giám mục cũng là những người kế vị các thánh Tông Đồ thì đồng trách nhiệm với nhau, chứ không phải cấp dưới. Hệ thống tổ chức của Giáo Hội là như vậy.”
Câu này không phải là của tác giả bài viết, mà chỉ là câu ông trích dẫn lại từ môt bài phỏng vấn trên đài BBC, khi có tin Tòa Thánh sắp cử một vị Đại Diện không thường trú tại Việt Nam, do linh mục Huỳnh Công Minh được phỏng vấn trả lời. Đọc câu này, tôi đâm bán tín bán nghi nên mở lại sách thần học chỗ nói về quyền hành và vị tri của ĐGH trong Giám Mục Đoàn xem thế nào. Và sau đây là những lời dạy của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về vấn đề này:
1, Quyền tối thượng của ĐGH và tính tập đoàn của Hàng Giám Mục
Thay vì đặt quyền tối thượng của ĐGH với tính tập đoàn của Hàng Gíám Mục và quyền của giáo hoàng với quyền giám mục trong thế đối nghịch thì nên hiểu rằng không thể có tính tập đoàn, nếu không có tính duy nhất, bởi vì tính tập đoàn hệ tại việc đưa nhiều mối về một mối. Sự hợp nhất này đòi phải có một vị giám mục trong Giám Mục Đoàn với tư cách đại diện Chúa Ki-tô một cách hoàn toàn khách quan và không thể chối cãi được, để bảo đảm cho sự duy nhất của Hội thánh. Điều ấy giả thiết rằng vị giám mục đó phải có quyền thực sự trên các vị khác với quyền đặt để ý muốn của mình trong vấn đề đức tin hay quản trị, nghĩa là đưa ra và nêu cao ý của Chúa Thánh Thần. Đó là điều Công Đồng Va-ti-ca-nô II muốn xác quyết, khi nói về quyền quản trị tức khắc, trực tiếp thông thường của giám mục. Như vậy đã rõ là nếu ĐGH có quyền trên các giám mục thì ngài cũng có quyền trên các tìn hữu được giao phó cho các vị đó.
Trong cuộc tranh luận này có một phần khá lớn những hiểu lầm, vì nhiều giám mực hiểu chữ thông thường là ĐGH can thiệp trực tiếp vào các việc trong giáo phận của các ngài. Thực ra chữ thông thường này phải hiểu theo nghĩa pháp lý, nghĩa là ĐGH nắm giữ quyền này do chức vụ của ngài, chứ không do những hoàn cảnh cá biệt. Chữ tức khắc có nghĩa là các luật lệ, sắc lệnh do ngài ban hành, bó buộc ngay mọi tín hữu mà không qua một trung gian nào. Nhưng dù vậy,các giám mục vẫn là những vị trung gian giữa ĐGH với các tín hữu.
Như thế, ĐGH là lãnh đạo đương nhiên của Giám Mục Đoàn. Ngay cả khi ngài nói và hành động tự ý mình, ngài cũng nói và hành động nhân danh cả Giám Mục Đoàn, cũng gióng như Khi thánh Phê-rô nói là nói nhân danh Tông Đồ đoàn. Bảo rằng Giám Mục Đoàn thuộc cơ cấu của Hội thánh do Chúa Giê-su lập ra là bảo rằng Giáo hoàng mà không có giám mục thì không thể cai quản Hội thánh, hay nói đúng hơn sẽ không có giáo hoàng nếu không có các giám mục. ĐGH có quyền trên Hội thánh nhưng hành quyền trong Hội thánh. Ngài là đầu Giám Mục Đoàn (Yves Congar : De la communion des églises à une ecclésiologie universelle, EEU trang 227-260), mà giám mục đoàn cũng là thành phần của Hội thánh. Sở dĩ không có đối nghịch là vì thực sự Chúa Ki-tô thi hành một cách hữu hình quyền Muc Tử vô hình tối cao của Người qua Hội thánh và các giám mục. Nhưng đồng thời những vị này cũng phải tùy thuộc quyền của Chúa Ki-tô được biểu lộ hữu hình ra bên ngoài như HY Journel viết : « Chỉ mình ĐGH có quyền công bố chân lý này hay chân lý khác phải tin, như tín điều Đức Mẹ vô nhiễm hay Đức Mẹ hồn xác lên trời chẳng hạn. Nhưng ngài cao trọng khi tin tín điều hơn là công bố tín điều. » (Charles Journel : La voie théologale, Dieu à la rencontre de l’homme, Paris DDB 1951 trang 44-45).
Cuối cùng người ta có thể đặt câu hòi : giám mục nhận quyền trực tiếp từ Chúa Ki-tô hay từ ĐGH ? Và khi các giám mục họp Công Đồng, các ngài có nhận quyền từ ĐGH không ?
Giám mục nhận quyền trực tiếp từ Chúa Ki-tô. Một số nhà thần học nhận lý thuyết này, một số khác lại coi như lý thuyết ấy đã bị Đức Pio XII hoàn toàn loại bỏ. Thực ra hai lý thuyết trên đều có thể được chấp nhận. Trước hết các vi giám mục nhận được từ ĐGH quyền quản trị ‘đoàn chiên’ cụ thể, khiến cho quyền mục vụ nhận được ngày tấn phong sẽ không được thi hành, nếu ĐGH không ban cho một ‘đoàn chiên’ để coi sóc. Nhưng qua việc tấn phong, chính Chúa Ki-tô hành động cách vô hình trong hành động hữu hình của bí tích. Có lẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng này là quyền mục vụ mà giám mục nhận được trong lễ tấn phong cốt yếu có tính tập quyền, nghĩa là giám mục trở nên thành phần của Giám Mục Đoàn là đoàn có quyền mục vụ trên Hội thánh. Nhưng giám mục đoàn chỉ có quyền này khi hiệp thông với ĐGH và ở dưới quyền ngài. Vì vậy cần phải có sắc chỉ của ngài để xác định quyền được thi hành chức mục vụ, và được giao cho một giáo phận để cai quản.
Như thế, trong hoàn cảnh hiện nay, theo ý kiến chung được dư luận chấp nhận rộng rãi, quyền mục vụ của các giám mục trên một ‘đoàn chiên’ riêng hay trên Hội thánh toàn cầu đều xuất phát từ ĐGH, chẳng những bởi vì ngài chọn gọi các vị được tấn phong mà còn bởi vì quyền mục vụ trong Hội thánh chỉ có thể được thực hiện bởi Giám Mục Roma.
Chúa Ki-tô đã ban cho thánh Phê-rô quyền hành trên Hội thánh, nhưng chính Người cũng ban quyền  này cho các Tông Đồ nữa. Và bây giờ trong Hội thánh, Đấng kế vị thánh Phê-rô có đầy đủ quyền hành, nhưng nhờ ngài và qua ngài, Chúa Ki-tô ban quyền đó cho Gíám Mục Đoàn. ĐGH được toàn quyền chọn gíám mục này hay giám mục kia, ban cho quyền này hay quyền khác, cất chức cất quyền, nhưng ngài không thể bỏ qua Giám Mục Đoàn, vì không có Giám Mục Đoàn thì không có ngài.
2. Người nắm quyền hành trong Hội thánh
Không có hai người nắm quyền hành trong Hội thánh. Quyền này do Giám Mục Đoàn nắm giữ mà đứng đầu là ĐGH. Quyên hành đầy đủ nằm trong tay ngài và từ ngài chuyển sang các giám mục. Dù ngài nắm đầy đủ quyền hành trong tay, nhưng quyền đó vẫn có tính tập đoàn. Vậy Công Đồng thêm gì cho ngài ? Công Đồng mang lại cho ngài tính tập đoàn bao hàm trong quyền của Giám Mục Roma một cách rõ rệt, nhờ sự đóng góp ý kiến và kinh nghiệm của nhiều giám mục khác nhau. Công Đồng không thêm gì cho quyền này theo nghĩa mọi quyền hành trong Hội thánh đều tập trung nơi ngài, nhưng khai triển quyền này cách chính xác và tiềm ẩn, khi quyền ấy do một mình ngài thực thi.
Kết luận
Như thế, ‘tuy các giám mục cũng là những người kế vị các Tông Đồ thì đồng trách nhiệm với nhau’ như câu trả lời trong bài phỏng vấn, nhưng không phảichứ không phải cấp dưới. Hệ thống tổ chức của Giáo hội là như vậy’.
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

No comments:

Post a Comment