Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 20, 2011

Người xin lộc khắp phố phường Hội An

Lao xao chuyện cúng chuyện xin


Chùa Ông, nằm bên cạnh chợ Hội An là nơi khách thập phương kéo về đông nhất. Ngoài ra còn có chùa Phúc Kiến, chùa Quảng Ðông và một số nơi khác.
2 giờ sáng, chùa Ông mở cửa, lúc này chợ Hội An vẫn còn im lìm, chưa một bóng người. Nhưng các nhân viên gác cổng đã ra mở cửa và cho số thứ tự. Số thứ tự lúc 5 giờ sáng đã lên đến 1,500. Và người đến xin số thứ tự vẫn còn đông.
5 giờ sáng, người ở khắp các tỉnh, có người từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế... vào, thành phố Sài Gòn. Cần Thơ, Châu Ðốc, Long Xuyên... ra, người đi chật khắp các đường Ngô Quyền, Trần Phú, Bạch Ðằng...
Vào lúc này, đội ngũ bán vé của chùa Phúc Kiến đi vào hoạt động, chùa mở cổng và người vào chùa xin lộc phải mua vé với giá 15,000đồng/vé/người, không ngoại trừ trẻ em 15 tuổi trở lên.

Phía chùa Quảng Ðông (còn gọi là Quảng Triệu), khách xin lộc đến đông đúc, có người mang đến cả một con heo quay to tướng đặt trước chánh điện để cúng vái, cầu xin.
Phía bên trong điện thờ của chùa Quảng Ðông, ai đó đã nhanh chân hơn, mang vào một con heo quay to tướng đặt cúng.
Phía trước hiên chùa, hai người đàn bà quản lý một chiếc thùng gỗ, mấy tấm giấy thẻ ghi số má và trên bàn đặt một tấm bảng khá ấn tượng: Bàn Vay Lộc.
Người ta đến vay lộc khá đông đúc. Và phía bên trong chánh điện, ngay gian giữa, một ông độ 50 tuổi ngồi cầm bình thẻ xăm lắc nghe kêu rooc roooc... Người đi thắp nhang khấn vái xin lộc xong, lại rút một thẻ xăm và đưa cho ông ta. Ông này sẽ đọc to con số trên thẻ xăm và gần đó có một bàn giao lá số.

Người xin lộc, xin xăm sẽ dựa trên lá số mà đoán rằng năm nay mình sẽ làm ăn như thế nào, sự nghiệp công danh ra sao.
Và trước khi xin lộc, rút xăm, người vào đây phải cúng lễ trước. Người nghèo thì cúng 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng, người giàu thì cúng vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Lúc này, ở phía chùa Ông, người xin lộc đã xếp thành hàng dài chừng 1km, ước đoán có chừng 3,000 người đang xếp hàng. Con đường này đầy các bảo vệ dân phòng và công an. Các bảo vệ dân phòng lấy hàng rào bằng thép chắn những người xếp hàng thành một dãy dài khép kín.
Nhìn vào đoàn người đứng xếp hàng kín mít bên trong hàng rào sơn đỏ, trắng trông rất giống một đàn bò đang được lùa vào chuồng. Mà người chăn bò ở đây là công an và dân phòng, chuồng ở đây là chùa Ông và chủ chuồng, có lẽ là các sư đang ngồi cho xăm, cho lộc bên trong chùa Ông.

Những lá xăm giống nhau

Tìm hiểu thêm, tôi được biết trong mỗi ống xăm có 100 thẻ, có chùa chỉ có 72 thẻ xăm và có chùa lên 108 thẻ xăm. Và lá xăm được đánh số từ 1 đến 100, 70 hoặc 108, tùy vào số lượng thẻ.

Tất cả mọi người xin xăm, xin lộc đều vào thắp nhang, lắc ống xăm và rút thẻ cầu may.
Và mỗi ngày, có chừng 2,000 người vào rút xăm. Như vậy, lấy 2,000 chia cho 100, tỷ lệ rút lặp sẽ là 20 người/lá xăm. Suy ra, mỗi ngày có 20 người được đoán số giống hệt nhau. Vì theo thứ tự lá xăm, lá số đã được in sẵn với nội dung duy nhất cho một con số tương ứng.
Trong chùa Ông, trường hợp này sẽ tăng lên gấp nhiều lần vì mỗi ngày có chừng 5,000 người vào xin xăm, xin lộc, cầu may. Và với tỉ lệ 108 thẻ xăm, lấy 5,000 chia cho 108 thì con số lặp sẽ là 46,2 người/thẻ xăm.
Chính vì sự trùng lặp này mà có gia đình đi 5 người, vào rút xăm, lại có đến hai lá xăm giống hệt nhau với nội dung: “Năm nay tài lộc đầy nhà, phước đức lai láng, đường công danh sáng rỡ và việc hỉ đến, sẽ có duyên mới...” Nghiệt nỗi hai người có lá xăm giống nhau này là đôi vợ chồng mới cưới. Nên họ buồn nhiều hơn vui!

Cũng có trường hợp người vào xin xăm là ông già 70 tuổi, ông muốn xem thử vận khí ông ra sao, sức khỏe như thế nào, thì lá xăm của ông lại có nội dung đường công danh phát triển tốt, rạng rỡ... Nhưng phải cẩn thận về sức khỏe, đi đường và tai ách do nóng giận, coi chừng tim mạch. Ông cụ này đọc lá số xong, cười méo xẹo.
Rồi lại có trường hợp, hai mẹ con cùng đi xin xăm, đến khi rút thăm, bà mẹ lại rút trúng lá thăm năm nay làm ăn tốt, nhưng ở các tuổi Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Tuất thì cô đơn, độc thân, không con cái.
Trong khi đứa con thì lại rút trúng lá xăm là năm nay sẽ xuất giá tòng phu. Tự dưng, đọc xong lá số, bà mẹ nhìn sang anh con rể tương lai chẳng có chút thiện cảm nào!
Và cũng theo tôi tìm hiểu thì xác suất “hên” trong các lá xăm là 100%, tất cả mọi lá số sau khi rút xăm cầu lộc đều cho thấy năm nay người cầm nó rất hên, may mắn. Chỉ có vài điều rủi nho nhỏ kém theo như: tâm trạng cô đơn, coi chừng bệnh cảm gió, mưa, đi đường cẩn thận, coi chừng bị tai nạn xe bởi uống rượu quá chén mà lái xe...
Tuy có giống nhau, nhưng người đi xin lộc tin lắm, có người suốt 12 năm liền đã thức khuya dậy sớm mà vào xếp hàng xin xăm.

Những người đi xin lộc nói gì...

Anh Việt, đến từ Hà Nội, là phó giám đốc một công ty điện tử, viễn thông, vừa đứng xếp hàng vừa trò chuyện: “Số thứ tự của mình là 50, như vậy chờ chừng nửa giờ nữa thì mình sẽ xin lộc. Năm nay mình xin lộc cho gia đình mình và gia đình giám đốc của mình, cầu mong ăn nên làm ra...”
Anh Hưng, nhà ở Huế, vào Hội An chiều hôm qua, nhưng đăng ký thứ tự lại rơi vào số 70, anh nói: “Chuyện ơn trên cũng có thiên vị ông à, người giàu, mấy đại gia vào đây, lòi tiền ra là được số thứ tự vip, đứng lên hàng đầu, còn người nghèo thì bị rớt xuống hàng dưới...”
Chị Huệ, đến từ Ðại Lộc, Quảng Nam, nói như khóc: “Chờ kiểu này chắc tới chiều cũng chưa xong, mà phải xếp hàng chờ, chứ không thể bỏ hàng, vì bỏ hàng thì phải vào dưới cùng mà xếp lại. Chính vì vậy mà năm nào em cũng phải nhịn ăn cơm trưa để xếp hàng.”
Tú, một thanh niên Hải Phòng, cao ráo, là sinh viên năm 3 đại học Hàng Hải, vừa mang ổ bánh mì thịt vào đưa cho người chị đang đứng xếp hàng, vừa cười tủm tỉm nói: “Xin xăm, xin lộc gì đâu mà trông giống mấy tù nhân đợi nhận cơm quá!”
Thủy, chủ một quán ăn ở Tam Kỳ nói: “Em đợi từ 3 giờ sáng tới giờ, vừa mệt, vừa đói. Nhưng thôi kệ, mình xin lộc cho cả năm làm ăn, hy sinh một ngày vậy!”
Và lúc tôi bấm máy chụp những bức hình đoàn người xếp hàng rồng rắn từ đường Nguyễn Huệ kéo qua ngã tư chợ Hội An, vào chùa Ông thì đồng hồ đã chỉ sang 11 giờ 25 sáng. Mặt trời đã lên gần đỉnh đầu.
Thi thoảng, loa phóng thanh từ trong chùa Ông phát ra: “Quí khách đến xin xăm, xin lộc hãy thao tác thật nhanh để người khác còn vào xin tiếp. Và mong quí khách coi chừng hành trang, cẩn thận kẻ trộm trà trộn vào móc túi, cướp giật!”
Người kéo đến Hội An xin lộc, cầu tài mỗi lúc thêm đông. Chuyện xin xăm, xin lộc sẽ kéo dài cho đến hết Tháng Giêng.
Ngoài kia, bên vỉa hè những con đường phố cổ, rất nhiều người nghèo, người mù bán vé số, người ăn xin ngồi ngửa tay xin chút tình thương của khách qua đường.
Chuyện xin xăm có khi tốn bạc triệu, nhưng người ta rất nhiệt tình, chịu thương chịu khổ lao vào xếp hàng, vái lạy. Nhưng ít thấy người cho tiền hoặc mua ủng hộ những người nghèo khổ bên vỉa hè, dù chỉ vài ngàn lẻ!
Theo một anh dân phòng cho biết thì năm nào cũng có vợ con các sếp lớn ở Hà Nội vào Hội An xin lộc, cầu may. Thậm chí họ đi còn mang theo cả vệ sĩ. Những vệ sĩ đóng giả dân thường đứng quan sát thân chủ của họ.

No comments:

Post a Comment