Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 10, 2011

Năm mới, giáo viên lại bức xúc chuyện lương



Ngay trong những ngày đầu năm mới, Đài Á Châu Tự Do đã nhận được thư của một số giáo viên tại Việt Nam than phiền về chuyện lương.
Ngoài vấn đề lương thấp, không được thưởng Tết như hầu hết các ngành nghề khác, mà khoản thu nhập cỏn con của các giáo viên nhiều khi còn bị cắt xén một cách vô lý.

Không có tiền thưởng Tết

Những ngày Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm mà hầu hết các giáo viên đều cảm thấy thấm thía và ngậm ngùi về mức lương của mình. Trong khi giá cả thực phẩm mọi thứ đều tăng vào dịp cuối năm mà hầu hết giáo viên lại không có tiền thưởng Tết như những ngành nghề khác, mà họ phải tự xoay sở trong khoản tiền lương eo hẹp.
Cô Xuân Mai, một giáo viên phổ thông ở Tiền Giang, tâm sự:
"Năm nào cũng vậy hết, ở Việt Nam thì đến dịp Tết là ngành nào cũng được thưởng, còn chỉ có ngành giáo là không có thôi, mấy chục năm nay là vậy đó. Đặc biệt cái tháng cuối là mình không được lãnh lương, phát trễ đến 3 tuần, năm nào cũng vậy. Tháng cuối mình lãnh lương để ăn Tết, giáo viên đã không được lãnh một xu tiền thưởng nào mà còn bị phát lương trễ nữa."
Riêng ở một số tỉnh thành, có lẽ để bù đắp cho những thiệt thòi mà các giáo viên phải chịu đựng, nhà trường hay một số cơ quan đoàn thể nảy sinh hình thức tặng quà Tết cho giáo viên. Thầy Giáp, giáo viên phổ thông ở Hải Phòng, cho biết:
"Không, ngày Tết thì chỉ có quà thôi chứ không phải thưởng. Quà chỉ có một chút thôi, của các cơ quan đoàn thể của trường, của bên xã, cơ quan quản lý thôi chứ không phải là thưởng."
Món “quà Tết” mà một số rất ít giáo viên may mắn được nhận thường là một khoản tiền chỉ vài trăm ngàn đồng, có khi không đủ để sắm một cành mai!
Không chỉ thiệt thòi trong khoản thưởng Tết, mức lương của giáo viên từ lâu vốn đã là một nỗi bức xúc của cả xã hội. Việc tăng lương cho giáo viên đến nay vẫn chỉ có hiệu quả trên giấy tờ. Theo thầy Giáp, ngoài chuyện lương thấp, ngay cả cơ chế trả lương cho giáo viên cũng không hợp lý và hiệu quả:

"Có hai đối tượng, giáo viên biên chế thì có tăng một chút, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng 8 năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1.
Theo tôi, cái cơ chế cần phải thay đổi theo hướng là trả lương cao cho giáo viên và đòi hỏi người ta làm nhiều hơn bởi vì có tình trạng giáo viên vào biên chế rồi thì độ năng động người ta không có. Người ta cứ nghĩ là vào biên chế rồi thì cứ đến năm lại tăng lương, cứ như thế thôi.
Không có sự bó buộc nào cả giữa mức lương và sự tích cực của người làm. Nó không căn cứ trên gì cả, theo thời gian tăng lên, người tích cực hay không tích cực thì cũng như nhau cả."

Bị cắt xén nhiều khoản

Đã bị xếp ở mức thu nhập thấp, khoản lương ít ỏi hằng tháng của giáo viên còn bị cắt xén nhiều khoản mà ngay chính họ cũng không biết hoặc không hề muốn.
Cô Hoa Nhiên kể:
"Nói chung là tháng nào cũng trừ, ví dụ như chị vào Đảng chị sẽ bị trừ theo phần trăm số lương chị, ví dụ như trừ 5% số lương. Ai vào Đảng thì đóng lệ phí Đảng, ai vào Đoàn thì đóng lệ phí Đoàn. Trừ mấy phần trăm là do quy định của trường."


Việc tham gia vào các tổ chức và đóng các loại phí trên mặc dù không mang tính bắt buộc về mặt văn bản, thế nhưng các giáo viên lại không có quyền lựa chọn đứng bên ngoài. Cô Nhiên cho biết thêm:
"Nói tự nguyện thì không đúng. Từ lúc còn là sinh viên, em đã không thích vào Đoàn, nhưng bắt buộc phải vào vì có những cái mình không vào không được. Chị không vào, không tham gia gì cả nhưng đến khi đóng tiền thì họ vẫn bắt mình phải đóng, thành ra tự động họ cho vô luôn chứ em cũng không biết mình vô khi nào nữa.
Sau khi về trường dạy, em mới thắc mắc là tại sao lại có tiền Đoàn như vậy, thì lãnh đạo của em mới nói là bất kỳ một công dân nào đó sống trên đất nước Việt Nam đều phải nằm trong một tổ chức nào đó. Cho nên không vào Đảng thì cũng phải vào trong Đoàn. Vì vậy cho nên em phải đóng lệ phí Đoàn hàng tháng."
Ngoài các chi phí hàng tháng, khoản lương của giáo viên còn bị cắt bởi nhiều khoản chi phí bất thường khác. Cô Xuân Mai cho biết:
"Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ, trừ nhiều lắm. Ví dụ như chị dạy thì một tháng lương của chị đúng ra là lãnh được 4,2 triệu nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ “nhà tình thương”, trừ “bà mẹ Việt Nam anh hùng”… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn. Không bao giờ mình biết được tháng này mình sẽ lãnh được bao nhiêu tiền."

Bị buộc phải tự nguyện
Theo cô Hoa Nhiên, đây là khoản chi phí phát sinh mà không phải lúc nào người giáo viên cũng đồng tình đóng góp:
"Tiền đó là do phát sinh ra đó. Nó tùy theo nhưng hầu như năm nào cũng bị trừ. Ví dụ như kỳ trước Tết, ở miền Trung bị lũ lụt, họ nói “lá lành đùm lá rách” thì cũng đúng. Ở trên đưa văn bản xuống nói là không bắt buộc phải ủng hộ, nhưng lại kèm theo một câu là ít nhất phải tham gia.
Trường em mới đưa ra ý kiến là trừ mỗi giáo viên một ngày lương. Giáo viên thâm niên thì một ngày lương của họ cao hơn những giáo viên khác như em chẳng hạn, nên người ta không đồng ý và nói rằng cái này mang tính chất ủng hộ, ai ủng hộ thì ủng hộ, người ta không ủng hộ. Nhưng thầy hiệu trưởng không trả lời dứt khoát, sau đó lãnh lương ra thì tiền Tết Nhà Giáo – 20/11 – công đoàn trường cho mỗi người 50.000 đồng, tự dưng họ nói lấy 50.000 đồng đó quyên vào ủng hộ cho đồng bào miền Trung đợt đó. Cho nên tiền 20/11 vừa rồi của tụi em bị cắt ngang vào đưa vào đợt ủng hộ vừa rồi."
Vẫn biết làm từ thiện là việc nên làm, thế nhưng khi đồng lương của các giáo viên còn chưa đủ cho họ chi trả cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống thì làm sao bắt buộc họ phải “đùm bọc” những mảnh đời thiếu may mắn khác?! Một giáo viên tiểu học tâm sự rằng, tiền lương của cô một tháng vỏn vẹn khoảng 1,9 triệu đồng, ngay cả khi không mua sắm, chi xài, thì ước mơ sắm được một chiếc xe máy để đi làm không biết bao lâu nữa mới thực hiện được, trong khi giá của một chiếc xe thường cũng đã là 20 triệu đồng.

No comments:

Post a Comment