Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 13, 2011

Lãnh đạo Ai Cập sai lầm khi nói chuyện với dân bằng “dùi cui”!

Thanh niên Ai Cập cùng với người dân nước này đang viết nên những trang sử vẻ vang của đất nước, bằng những cuộc xuống đường biểu tình, phản đối chính phủ, suốt hơn hai tuần qua.
Những trang sử này đã được viết bằng cái giá, với hơn 300 người dân Ai Cập nằm xuống, để những người còn sống có một tương lai tốt đẹp hơn.
Đâu là sai lầm của người đứng đầu đất nước Ai Cập đối với những người biểu tình, dẫn đến sự ra đi của ông Mubarak? Thông tín viên Ngọc Trân có bài tường trình.

Không nên nói chuyện với dân bằng “dùi cui”!

Liên tục hơn hai tuần qua, những người dân Ai Cập đã xuống đường để phản đối các chính sách của chính phủ nước này, liên quan đến các vấn đề pháp lý và chính trị trong suốt thời gian ông Hosni Mubarak cầm quyền. Những vấn đề người dân Ai Cập phản đối bao gồm, sự đàn áp của cảnh sát, sự gian lận trong các cuộc bầu cử, quyền tự do ngôn luận của người dân bị tước đoạt, và nhất là nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan trên cả nước, đã làm ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế như, tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tăng nhanh, mức lương tối thiểu thấp so với các nước trong khu vực.
Những người biểu tình kiên quyết đòi chấm dứt chế độ độc tài Hosni Mubarak, bởi trong suốt ba mươi năm cầm quyền, đã nhiều lần người dân lên tiếng phản đối, nhưng không được chính phủ lắng nghe. Ngoài việc kêu gọi chấm dứt chính quyền Mubarak, người dân còn đòi hỏi chấm dứt thiết quân luật, một đạo luật được ban hành ở Ai Cập, từ sau cái chết của Tổng thống Anwar Sadat hồi năm 1981, cho phép các tòa án quân sự và chính phủ, có toàn quyền bắt giam bất cứ người nào, bị chính phủ cho là đe dọa an ninh quốc gia, mà không cần trát lệnh của tòa.


Ngoài các đòi hỏi nói trên, người dân Ai Cập còn đòi được tự do, dân chủ, để xây dựng một xã hội công bằng và một chính phủ minh bạch hơn, một chính phủ phi quân sự, có trách nhiệm và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên ở Ai Cập. Thế nhưng, thay vì lắng nghe nguyện vọng chính đáng của đa số người dân, bằng cách đối thoại ôn hòa ngay từ đầu, chính phủ Ai Cập đã đáp trả bằng những cuộc khủng bố, bắn giết, bắt bớ và giam cầm những người biểu tình.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN hôm thứ Tư vừa qua, anh Wael Ghonim, một thanh niên 30 tuổi, người Ai Cập, cho biết: “Chúng tôi đã xuống đường vào ngày 25 tháng 1 vừa qua và chúng tôi muốn thương lượng. Chúng tôi muốn nói chuyện với chính phủ của mình, chúng tôi đã gõ cửa. Nhưng họ đã quyết định thương lượng với chúng tôi vào ban đêm, bằng những viên đạn cao su, bằng gậy, bằng vòi nước, bằng hơi cay và bằng việc bắt giữ khoảng 500 người của chúng tôi. Cảm ơn, chúng tôi đã nhận được thông điệp. Bây giờ, khi các cuộc xuống đường bắt đầu leo thang như thế này, thì họ đã nhận được thông điệp”.
Khi được hỏi cảm nghĩ về những cái chết oan uổng dưới bàn tay của cảnh sát, anh Ghonim nghẹn ngào, cho biết như sau: “Tôi lấy làm tiếc vì sự ra đi của họ. Anh biết, tôi không thể quên những người này. Biết đâu có thể là tôi hoặc anh em của tôi? Và họ đã bị giết hại, họ đã bị giết hại, như anh biết rồi đấy. Nếu những người này đã chết trong một cuộc chiến, thì công bằng và sòng phẳng. Khi Anh cầm vũ khí trong tay, và Anh biết người nào đó đang bắn và anh chết. Nhưng không. Những người đó không được chết như vậy. Những người đã bị giết không giống như họ đang chuẩn bị tấn công ai cả. Cảnh sát đã bắn họ, bắn họ rất nhiều lần. Những người cảnh sát đứng trên cầu và bắn vào những người dân. Đây là tội phạm. Tổng thống này phải ra đi vì đây là một tội phạm”.

Đem tri thức và lòng yêu nước chọi với xe tăng và vũ khí
Chàng thanh niên trẻ Wael Ghonim đã trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng ở Ai Cập, và được người dân nước này xem như một anh hùng. Anh xuất thân từ một gia đình trung lưu, là kỹ sư máy tính, có bằng thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh, vừa được hãng Google thuê, làm quản lý cho Google ở Dubai kể từ đầu năm nay. Google đã không biết rằng, ngoài giờ làm việc, Ghonim đã lập một trang Facebook, nối kết hơn 400 ngàn người Ai Cập.

Sau khi lấy lý do “công việc cá nhân” để thuyết phục Google cho phép trở về Ai Cập cùng với người dân xuống đường, Ghonim đã bị mất tích hôm 27 tháng 1 ở thủ đô Cairo. Gần mười ngày sau, mọi người mới nhận được tin tức, Ghonim đang bị cảnh sát Ai Cập bắt giữ, và anh đã được thả ra hôm 7 tháng 2, sau khi được Tổ chức Ân xá Quốc tế can thiệp.
Ghonim đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc biểu tình làm chấn động Ai Cập suốt mười tám ngày qua. Trang Facebook của anh đã đưa những người dân xuống đường trong các cuộc biểu tình đầu tiên, hôm 25 tháng 1. Anh Ghonim cho biết, chính anh đã sử dụng công nghệ thông tin để lên kế hoạch cho các cuộc xuống đường, và anh gọi đây là cuộc cách mạng internet. Anh nói với đài CNN như sau: “Chắc chắn đây là một cuộc cách mạng internet. Tôi gọi nó là cuộc cách mạng 2.0."
"Kế hoạch là làm sao cho tất cả mọi người cùng xuống đường. Trước nhất là chúng tôi chuẩn bị khởi đầu ở các khu vực nghèo nàn. Đòi hỏi của chúng tôi là tất cả những gì liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân”.
Cuộc đấu tranh này hoàn toàn không cân sức, như trứng chọi đá, với một bên là những người dân Ai Cập, chỉ có tấm lòng yêu nước và tinh thần nhiệt huyết, cùng với sự giúp sức của những thanh niên trẻ là những trí thức, lợi dụng sự hiểu biết về công nghệ thông tin, dùng mạng xã hội như Facebook và Twitter để nối kết người dân xuống đường, phản đối chính phủ. Và một bên là chính phủ độc tài, cai trị người dân bằng bàn tay sắt suốt ba mươi năm qua, được hỗ trợ bởi công an, quân đội, trang bị xe tăng cùng các loại vũ khí tối tân.
Sở dĩ người dân chọn giải pháp này bởi vì họ không còn tin vào những lời hứa hẹn tốt đẹp của chính phủ Ai Cập. Khi được hỏi cảm nghĩ về những lời hứa hẹn của chính phủ, anh Ghonim cho biết: “Họ đã hứa hẹn với chúng tôi rất nhiều, ông biết đấy, về thái độ từ từ thay đổi, nhưng nhìn lại cuộc phỏng vấn ông Omar Suleiman vài ngày trước đây, ông ta cho rằng, hiện người dân Ai Cập chưa sẵn sàng cho dân chủ."
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chế độ này thực sự có vấn đề rồi, chỉ sự việc là các ông có vài người để quyết định rằng các ông tốt hơn, các ông ở vị trí tốt hơn để quyết định cho một quốc gia, và sau đó sử dụng phương tiện truyền thông để tẩy não người dân. Sử dụng cây gậy bóng chày để đánh vào những người dân, những người quyết định rằng, họ muốn nói ‘KHÔNG’!”

Sẵn sàng chết cho Tổ quốc!
Ngoài tinh thần yêu nước, chúng ta còn thấy ở anh Ghonim một sự can đảm khác thường khi anh đã quyết định, sẵn sàng chết để thay đổi đất nước, để người dân Ai Cập có cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh nói với đài CNN:
“Hôm nay, tôi đã ủy quyền toàn bộ mọi thứ tài sản mà tôi sở hữu cho vợ tôi, các tài khoản nhà bank của tôi, tất cả mọi thứ, bởi vì tôi sẵn sàng chết và có hàng ngàn người dân ở ngoài đó sẵn sàng chết”.
“Tôi nói cho anh biết rằng tôi sẵn sàng chết. Tôi có rất nhiều thứ trong đời để mất. Tôi đang đi làm, anh biết tôi đang xin nghỉ làm, tôi làm việc cho một công ty tốt nhất trên thế giới. Tôi có một người vợ hoàn hảo, và tôi có mọi thứ tốt nhất, tôi yêu thương con cái tôi, nhưng tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ đó cho giấc mơ của tôi trở thành hiện thực và không ai có thể đi ngược lại ước muốn của chúng tôi. Không một ai có thể”.
Qua cuộc phỏng vấn trên đài CNN, Ghonim muốn nói với chính phủ Ai Cập rằng, không ai có thể ngăn được lòng yêu nước của anh và của các thanh niên Ai Cập, anh nhắn với Phó Tổng thống Ai Cập như sau: “Và tôi đang nói điều này cho ông Omar Suleiman. Ông ta sẽ xem buổi phỏng vấn này. Ông sẽ không thể ngăn được chúng tôi. Bắt cóc tôi? Bắt cóc tất cả các đồng sự của chúng tôi? Đưa chúng tôi vào tù? Giết chúng tôi? Hãy làm bất cứ điều gì mà các ông muốn làm. Chúng tôi đang xây dựng lại đất nước của chúng tôi. Các ông đã hủy hoại đất nước này trong 30 năm qua. Đủ rồi! Đủ rồi! Đủ rồi!”
Và rồi, cuối cùng thì lòng yêu nước, sự kiên trì đấu tranh của người dân, lòng can đảm của Ghonim và của những thanh niên trẻ Ai Cập, đã thắng chế độ độc tài, cai trị đất nước suốt 30 năm qua. Sau mười tám ngày liên tục xuống đường, cuối cùng ông Hosni Mubarak đã phải ra đi.
Những gì đã đang xảy ra ở Ai Cập và các nước Hồi giáo khác, có lẽ là bài học quý báu cho tất cả lãnh đạo ở các nước độc tài, khi chọn giải pháp nói chuyện với những người dân của mình bằng “dùi cui”.

No comments:

Post a Comment