Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 23, 2011

Khốn cho các ngươi…


Khốn cho các ngươi… (Mt. 23, 13 28)   
Hình như cảnh này cũng có các đặc điểm Đức Kitô đã cho chúng ta biết để nhận diện ra đám kinh sư và Pharisêu giả hình ngày truớc Người đã là “thần dân” trong ảnh hưởng của họ.
Chưa bao giờ khối tín hữu Công giáo Việt Nam bị đặt trong một tình trạng phức tạp như hiện nay.
Là người công dân đứng trong cộng đồng dân tộc, họ đã oằn lưng xuống gánh chịu nỗi bất hạnh cùng cực của một đất nước mà mọi giá trị bị lung lay, bị băng hoại: dân quyền bị chà đạp, dân trí kém mở mang và dân sinh bị suy thoái; cùng một lúc họ phải đồi diện với một cơ chế giáo hội mà trong đó đa số “các đấng làm thầy” thiếu vắng cái dũng trong tâm linh, mỗi ngày mỗi vong thân hướng ngoại và tha hoá để chỉ cốt sao cho ăn nhịp với thế quyền, cho đẹp lòng nhà nước. Nói cách khác, các vị chỉ nhắm sống còn hơn là sống cùng hoặc sống với cộng đoàn đức tin bằng hai chữ trách nhiệm chia sẻ của sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Ngày xưa, thời của Đức Kitô sống giữa dân do chính Người chọn để nhập thế và nhập thế, đã có một tấng lớp lãnh đạo gọi là kinh sư và  Pharisêu. Họ đuợc hưởng nhiều quyền và lợi của một giai cấp bất khả xâm phạm. Họ núp bóng bá quyền ngoại bang để loè bịp dân họ, những người dân u mê và cuồng tín đến tội nghiệp mà không ai dám chống hay muốn chống lại bất cứ sự gì họ nói, dám phê phán hay nhận định bất cứ việc gì họ làm. Lời họ nói là lệnh, điều họ bày ra là luật vì họ vừa dựa vào thần quyền để áp đảo niềm tin của tín hữu và thế quyền để trấn áp dân lành… kiểu trên đội, dưới đạp. Chính Đức Kitô khi ấy cũng là “giáo dân” của họ nên Người thấy chướng tai gai mắt và Người đã chửi họ, lời chửi này là Lời Chúa hẳn hoi.
Theo trọn vẹn nội dung Tin Mừng nhất lãm, ai cũng thấy Đức Kitô chỉ nhắm vào có cái giới kinh sư và Pharisêu này để khiển trách, để mắng mỏ. Hãy nghe thánh Mát thêu thuật lại những gì Chúa Giê su nhận xét về “các đấng bậc” thời của Người là “Các kinh sư và các người  Pharisêu ngồi trên toà ông Mô sê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa đuợc người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và đuợc thiên hạ gọi là “ráp bi”(Mt 23, 1 7).
Gần hai ngàn năm sau, vẫn còn một trong mấy triệu giáo dân Việt Nam ghi lại sự việc như sau trong kỳ Đại Hội Dân Chúa vừa qua rằng “Ngày làm việc cuối cùng của Đại Hội Dân Chúa, Ban thư ký trình bày đúc kết những thảo luận đóng góp của toàn thể đại biểu trong những ngày qua trên màn hình lớn giữa hội trường, với 3 đề mục chính của Tài liệu làm việc: Giáo hội Mầu nhiệm, Giáo hội Hiệp thông và Giáo hội Sứ vụ. Vì thế các Giám mục xuống phía dưới cùng ngồi chung vào những dãy ghế của các đại biểu để theo dõi. Thật là một hình ảnh đẹp và cảm động. Như vậy mà đuợc hí hửng vui mừng thì đủ biết cái “đẹp” và “cảm động” vì vẻ huynh đệ hài hoà này hiếm thấy nơi cộng thể Công giáo Việt Nam, cho dù Đức Kitô khó nghèo đã chịu khổ nạn rồi chết treo thập hình cũng chỉ vì yêu thương đã hai ngàn năm nay.
Tiếp đến, trong bài tường thuật về Đại lễ bế mạc Năm Thánh của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam 2010 và Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Lavang lần thứ 29, Vũ Sinh Hiên đã viết: “Chắc Đức Mẹ cũng phải rớt nước mắt khi nhìn một bà cháu ngồi trên tấm bạt trong cái mưa phùn giá lạnh ấy chung nhau một hộp cơm. Đức Giám Mục Kontum cho tôi biết rằng lần này con cái của ngài, những anh chị em dân tộc chất phác và nghèo hèn về La vang đến hơn 2.000 người trên 40 chiếc xe. Ngay từ đầu Năm Thánh, Đức Giám Mục đã loan báo ngày hội này và ai muốn về dự Đại Lễ thì phải đóng 650.000 Đồng  một người, gồm 350.000 Đồng tiền xe và 300.000 Đồng tiền ăn, thế là anh em ký cóp bằng những bó măng hái từ rừng về, bằng những sọt phân bò thu lượm để bán cho các nhà vườn trồng cà phê. “Ngân sách” như vậy hỏi rằng ăn uống sang trọng làm sao được. Ngay cả các đoàn phục vụ cho đại lễ như các đội trống, kèn, các nhân viên thu thanh, thu hình, mỗi người cũng lãnh một khay cơm đạm bạc do giáo xứ Trí Bưu cung cấp. Vậy mà ngay trước cửa nhà hành hương cả trăm chiếc bàn ăn tươm tất, bên trong nhà hành hương là những bàn ăn dành cho các vị Giám Mục, tất cả chỉ cách vài bước chỗ giáo dân xúm xít chia nhau hộp cơm, chiếc bánh”…
Hình như cảnh này cũng có các đặc điểm Đức Kitô đã cho chúng ta biết để nhận diện ra đám kinh sư và  Pharisêu giả hình ngày truớc Người đã là “thần dân” trong ảnh hưởng của họ. Cảnh này nhắc cho người viết một hình ảnh bên Mã lai, tại Melaka. Vào dịp tân niên Dương lịch 2008, giám mục Paul Tan thuộc Dòng Tên, tự lái xe từ toà giám mục Johor Baru qua hơn 200 cây số về từ chiều hôm trước để kịp dâng Thánh lễ đầu năm tại nhà thờ Thánh Phanxicô cùng với các linh mục trong địa phận. Sau Thánh lễ, mọi người ăn trưa ngay tại khuôn viên nhà thờ. Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng đứng theo hàng dài để tuần tự đi lấy thức ăn cho mình ở các lều cung cấp rồi cùng đứng chuyện trò với giáo dân, có gì lạ đâu.
Xin đuợc góp thêm một chuyện với Vũ Sinh Hiên và người anh em đã cảm động khi thấy các Giám mục xuống phía dưới cùng ngồi chung vào những dãy ghế của các đại biểu. Dịp đó, người viết đuợc sắp xếp cho trú ngụ tại một chủng viện cũ đã ngưng sinh hoạt. Buổi sáng vừa xuống sân thì thấy một người mặc áo chùng trắng đang đi bách bộ nên vội đến chào “cha” và nói chuyện. Mấy phút sau, một giáo dân Mã lai đến, nói nhỏ cho biết “giám mục” đấy…và mọi sự vẫn bình thường. Đáng nhớ là mẩu đối thoại:


- Thưa Đức cha, giả như đây là bên Việt Nam chúng con thì từ qua đến nay khu chủng viện này đã tấp nập ngựa xe và ban bệ tiếp tân rồi
- Để làm gì vậy?
- Thưa, để cho tín hữu vào lạy hầu và hôn nhẫn…
Ngài đưa bàn tay đeo nhẫn lên nhìn
- Vẫn còn ghê gớm như vậy sao?…
Cũng ở chương 23, từ câu 13 đến câu 32, thánh Mát thêu ghi nhận có cả thảy bảy lần Đức Kitô gọi thẳng giới kinh sư và  Pharisêu với câu mở đầu “Khốn cho các ngươi” mà nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là Đức Giê su khiển trách các kinh sư và người  Pharisêu, song phải thẳng thắn nhận là Chúa chửi mới đúng. Bởi vì Chúa xác quyết là những hành động và lối sống giả hình của những kinh sư và  Pharisêu này chính là “khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào”“những kẻ dẫn đường mù quáng”, “bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác”… Bài học này, nhận xét này do chính Chúa truyền lại dạy cho muôn dân muôn nước mà sao Dân Chúa Việt Nam vẫn chưa đọc đến, vẫn … mỗi khi có một ai đó nhìn vào cung cách “các đấng bậc” để góp ý thì lập tức bị cho là gở lạ, là phạm thượng, là chống đối và nhất là “rối đạo”. Như vậy có phải là chính những luận điệu ấy đã khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” hay không?
Chẳng hạn, một kinh sư thời nay, sau 30/4/1975 là sống liên tục “giữa lòng dân tộc”, vậy mà gần nửa thế kỷ với bao nhiêu kinh nghiệm về tương quan giữa Giáo hội và nhà nước, về những cái Giáo hội không xin vẫn bị cho và điều cần xin thì lại không cho mà không hiểu vì miệng lưỡi  Pharisêu thật hay gỉa hình vẫn biện thuyết rằng “tôi tôn trọng các mục tử vì tôi tin rằng họ là những ngưòi đuợc tuyển chọn. Và khi họ đuợc giao nhiệm vụ, họ cũng đuợc trao ban ân sủng của chức vụ. Do vậy, nếu họ không đi ngược lại tín lý và luân lý của Giáo hội và của Chúa, tôi vẫn kính trọng họ và cộng tác với họ trong mức độ có thể… và lại còn hài hước hơn khi lý sự rằng “một trong những bài học của lịch sử là Giáo hội đừng dính líu quá về chính trị và nhất là đừng để chính trị chi phối mình”…
Như vậy chẳng hoá ra khi Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đuợc nêu đích danh trong yêu cầu của nhà nước phải đi khỏi Hà nội và anh em ngài tạo điều kiện thêm để có người lên thay thế là đuợc tuyển chọn đuợc trao ban ân sủng? Một cộng đoàn anh em DCCT Hà nội và giáo dân bị lấn chiếm đất đai để dùng cho việc phụng tự, rồi bị đánh đập khi họ chỉ biết dùng hai tay không giữ lại; một khu đất Toà Khâm sứ bị lấy đi mà nếu như nó thuộc về một toà đại sứ hay tổng lãnh sự nào khác thì không dám như vậy; một biểu tưọng thiêng liêng của khối Kitô giáo hoàn vũ bị chà đạp ở Đồng Chiêm trên đất nước Việt Nam đã có hàng Giáo phẩm từ nửa thế kỷ nay;  một số giáo dân tại Cồn Dầu cũng bị cướp đất và có ngưòi bị đánh tới chết… một anh em đồng viện của “họ” bị khó dễ khi đi làm mục vụ chân chính… cả khối đồng bào đang bị đe doạ môi sinh vì khai thác bauxite…. và nhiều nhiều việc nữa… mà “họ” vẫn ngậm tăm, vẫn lặng thinh là… không đi ngược lại tín lý và luân lý của Giáo hội và của Chúa… sao?
Chẳng lẽ Chúa phải tuyển mới chọn ra giám mục Châu Ngọc Tri để làm mục vụ nhà đất và mục vụ nhà trẻ? Chưa hết, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là thầy Tặng, bị công an nhà nước đánh cho máu me đầm đìa ở Đồng Chiêm mà sau đó bị một vài đấng bậc bảo là Dòng Chúa Cứu Thế bôi máu heo vào chụp hình… là do đuợc trao ban ân sủng của chức vụ (grace d’etat) soi sáng cho mà thấy chăng? Rồi tại La vang, trong dịp lễ bế mạc Năm Thánh và Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Lavang lần thứ 29, một số khách hành hương mặc những chiếc áo thun trắng chỉ đứng yên hoặc ngồi yên mà cầu nguyện cho Đồng Chiêm, Thái Hà, Tam Tòa v.v… đã bị trật tự viên của ban tổ chức lột ngay tại chỗ một cách thô bạo… rồi cứ hết toạ đàm này đến hội thảo khác để rỉ rả những Canh tân – Đối thoại – Hòa giải – Hợp tác và dĩ nhiên là hợp tác với nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa … thì không phải dính líu quá về chính trị và… để chính trị chi phối mình”sao?
Đối thoại gì, hợp tác với ai và hoà giải ra sao khi quy chế xin – cho đã là định chế mà vẫn rêu rao ru ngủ anh em mình thì có phải là hoạt đầu chính trị không?
Hãy khóc đi hỡi những người anh em yêu dấu kiểu này.
Giờ đây, khi mà lời Chúa chửi ngày xưa đó không còn là sở hữu độc quyền của Do thái nữa, mà là của chung Dân Chúa, chẳng trừ ai, thì những tên gọi kinh sư,  Pharisêu cũng không còn là chỉ riêng cho giới này của một thời xa xôi đó mà đã trở thành hai cái tội Đức Kitô không mong bất cứ con cái nào của Người vấp phạm, làm uổng phí hồng ân cứu rỗi của Người. Khổ nỗi, hình như đa số Dân Chúa Việt Nam đã không nghĩ vậy nên các lời mắng mỏ, cảnh cáo của Chúa trong Tin Mừng vẫn đuợc người ta đọc xong thì trả về cho kinh sư và  Pharisêu của Do thái.
Thật là khốn cho chúng ta.
Phạm Minh Tâm

No comments:

Post a Comment