Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 20, 2011

Hy vọng tại Bahrain, lo sợ ở Libya

Làn sóng biểu tình đang làm rung chuyển các nước Ảrập từ vùng Vịnh tới Bắc Phi, trong đó tại Bahrain chính quyền rút lại hành động trấn áp để đối thoại, còn tại Libya lực lượng an ninh dùng cả đạn thật bắn người biểu tình.

Sau sự kiện người dân Tunisia và Ai Cập nổi dậy lật đổ hai tổng thống cầm quyền nhiều năm, các nước trong khu vực hoàn toàn ý thức được hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Nhưng cách tiếp cận vấn đề của chính quyền tại hai điểm nóng nhất hiện nay là Libya ở Bắc Phi và Bahrain ở vùng Vịnh có sự khác biệt.
Ban đầu cả binh sĩ Bahrain và Libya đều áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả việc nổ súng nên đã dẫn đến thương vong. Nhưng sau vài ngày biểu tình, binh sĩ Bahrain đã rút khỏi đường phố và khu quảng trường trung tâm, khiến người biểu tình vui sướng với chiến thắng. Động thái này cho thấy tiếng súng nổ và xe tăng đã nhường chỗ cho đối thoại và thoả hiệp.
Ngoài hình ảnh hiện đại của một đảo quốc Bahrain gắn bó với phương Tây, nơi đã trở thành một mắt xích trong hệ thống thi đấu của môn thể thao tốn kém và thời thượng nhất hành tinh là đua xe F1, còn có yếu tố khác là những sức ép từ bên ngoài đã góp phần dẫn đến chiến thuật nhượng bộ người biểu tình của chính quyền.
Theo BBC, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhiều quan chức hàng đầu khác của Washington và Ngoại trưởng Anh William Hague đã trực tiếp điện đàm với hoàng gia Bahrain, để hối thúc thực thi một giải pháp hoà bình. Mỹ đang đặt căn cứ của hạm đội 5 hải quân ở Bahrain, trong khi Anh cũng có nhiều lợi ích tại vùng đất là cựu thuộc địa của họ tại vùng Vịnh này.
Trong khi đó, bối cảnh tại Libya lại rất khác và tin tức về vụ biểu tình nổi dậy ở Benghazi đã bị phong toả với thế giới. Thông tin việc chính quyền cho binh sĩ dùng cả đạn pháo cối, súng máy hạng nặng và súng bắn tỉa đối phó với người biểu tình chỉ được bên ngoài biết tới sau khi đã xảy ra, thông qua lời các nhân chứng.
Hầu như không có phóng viên quốc tế được phép có mặt tại điểm nóng Benghazi để truyền tải một cách độc lập và chính xác về việc gì đã xảy ra tại đây. Ngoại trưởng Anh Hague phải lên tiếng cảnh báo: "Việc vắng bóng các camera truyền hình không có nghĩa là thế giới không chú ý đến những hành động của chính phủ Libya".
Ông Hague còn mô tả thông tin về các biện pháp đối phó với người biểu tình của Libya như dùng súng bắn tỉa là "kinh khủng không thể chấp nhận". Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh, thế giới không nên e ngại lên án các hành động này và ông khẳng định sẽ hối thúc các nước châu Âu và Ảrập cùng lên tiếng.
Trong khi đó, người đứng đầu Libya là đại tá Muammar Gaddafi là lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất thế giới Ảrập kể từ khi thực hiện cuộc đảo chính năm 1969. Trong 4 thập kỷ qua, quốc gia dầu mỏ này được biết đến với thái độ cứng rắn với phương Tây cũng như phe đối lập.
Sự thách thức của người biểu tình trên đường phố đối với chính quyền Libya trong những ngày qua là chưa từng có tiền lệ. Cũng do bối cảnh lịch sử và chính trị của Libya nên việc gia tăng sức ép của phương tây đối với nước này khó có thể đưa đến tác dụng như tại Bahrain.
Sự khác biệt về yêu sách của người biểu tình ở hai nước cũng dẫn đến cách tiếp cận vấn đề không giống nhau của hai chính quyền. Tại Bahrain, người tuần hành có mục tiêu chính là đòi thủ tướng phải ra đi và tiến hành thêm các cải cách chính trị để thu hẹp quyền lực của hoàng gia.
Trong khi tại Libya, đám đông biểu tình đơn giản chỉ muốn đại tá Gaddafi phải theo bước Mubarak ra đi sau 4 thập kỷ cầm quyền liên tục. Nói cách khác, yêu sách của người biểu tình Libya nhắm đến cá nhân lãnh đạo giống như tại Ai Cập, khác với tại Bahrain, nơi người dân không có ý muốn xoá sổ cả hoàng gia cầm quyền.
Thực tế trên cho thấy khả năng thoả hiệp tại Bahrain mở hơn nhiều so với Libya, nên quốc đảo vùng Vịnh cũng dễ dàng ngừng các hành động trấn áp bạo lực hơn so với quốc gia dầu mỏ Bắc Phi.
Điều này cũng khiến giới quan sát nhận định, các biện pháp mạnh tay vẫn là lựa chọn duy nhất để đối phó với làn sóng biểu tình tại Libya, khác với đối thoại và thương thuyết tại Bahrain. Do đó mối lo ngại về khả năng nổ ra nội chiến tại Libya như lời cảnh báo của con trai nhà lãnh đạo Gaddafi không phải không có cơ sở.

No comments:

Post a Comment