Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 19, 2011

Hội nghị các lãnh đạo cấp cao về khai thác dầu khí tại Bangkok

Một hội nghị các lãnh đạo cấp cao về lĩnh vực khai thác dầu khí sẽ diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 22 – 24/2 tới.
Trong đó, các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi và cập nhật những quy định mới về lĩnh vực khai thác dầu khí tại các quốc gia, đồng thời hướng đến việc xây dựng một tiêu chuẩn chung của khu vực về sử dụng dung dịch khoan và mùn khoan hiệu quả mà không gây hại cho môi trường.
Khánh An có cuộc trao đổi với ông Frank Mercago, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Bền vững và Kinh Tế của đơn vị tổ chức, xung quanh nội dung của cuộc hội nghị và tường trình.
Diễn đàn châu Á về Quản lý dung dịch khoan và mùn khoan là nơi quy tụ nhiều nhà lãnh đạo nhà nước và kinh tế trong lĩnh vực khai thác dầu khí của khu vực châu Á. Đến tham dự hội nghị lần này, có đại diện của Cục Nhiên liệu Khoáng sản Thái Lan, Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam, Bộ Môi trường Indonesia, Bộ Tư lệnh Hải quân bảo vệ môi trường Philippines và Ban Kiểm soát Môi trường Trung ương Ấn Độ.

Xây dựng tiêu chuẩn chung cho sử dụng dung dịch khoan

Nói về lý do tổ chức hội nghị, ông Frank Mercago, Giám đốc Trung tâm Năng lượng bền vững và Kinh tế của công ty Arc Media Global, có trụ sở tại Singapore, cho biết:
“Vụ tràn dầu giếng Macondo ở vịnh Mexico đã khiến cho công luận chú ý đến vấn đề dung dịch khoan. Dung dịch khoan là một thành phần rất quan trọng để khoan các giếng dầu và khí tự nhiên. Người ta không thể tiến hành khoan nếu không có dung dịch khoan.”
Ông Mercago cho biết, các dung dịch khoan thường từ 3 thành phần chính, loại chứa nước, loại mùn dầu và loại khí. Tuy nhiên, hầu hết các dung dịch này đều là chất độc hại.
Hiện nay, các hoạt động thăm dò dầu khí tại châu Á ngày càng tăng lên do nhu cầu về năng lượng tăng cao ở các quốc gia đang phát triển này. Mới đây tại Indonesia, chính phủ nước này đã đặt ra mục tiêu tăng sản phẩm dầu thô từ 952.000 thùng/ngày lên từ 1,2 – 1,3 triệu thùng/ngày. Nhiều người lo ngại tình trạng “khát” dầu sẽ khiến cho nhiều quốc gia châu Á coi trọng lợi nhuận hơn là những vấn đề khác. Một khi các hoạt động thăm dò, khai thác gia tăng, chắc chắn sẽ dẫn đến việc gia tăng sử dụng các dung dịch khoan và mùn khoan, khiến cho nguy cơ gây tổn hại cho môi trường ngày càng cao.


Nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã tăng cường các biện pháp quản lý để giảm nguy cơ này. Thái Lan cho biết việc thiết lập và duy trì an ninh năng lượng bền vững trong thời gian qua tại nước này có nhiều hiệu quả hơn nhờ đưa vấn đề này lên làm một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời cổ vũ công chúng hưởng ứng và tham gia.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ông Mercago cho biết:“Việt Nam đã tăng mức phạt lên gấp 10 lần đối với việc không tuân thủ các quy định về sử dụng dung dịch khoan và đã cùng với doanh nghiệp dầu khí nhà nước đưa ra “Quy chuẩn Quốc gia về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển” vào tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, các công ty dầu khí cho rằng vấn đề không chỉ là việc tăng mức phạt, mà còn là việc trao đổi về những cái được và mất từ việc tuân thủ các quy định. Nếu như những thiệt hại, rủi ro quá lớn sẽ khiến chúng tôi không thể tiến hành thăm dò nữa và không thể có lợi nhuận. Là doanh nghiệp, các cổ đông của chúng tôi sẽ chỉ nhìn vào các khoản chi và cho rằng việc đầu tư không còn hiệu quả khi bỏ ra quá nhiều chi phí vì tuân thủ các quy định mà lại không có lợi nhuận.”
Theo một báo cáo gần đây, hiện châu Á đang là khu vực xả thải dung dịch khoan và mùn khoan cao nhất với 12.200 tấn, gấp 5 lần khu vực Bắc Mỹ với chỉ 2,419 tấn. Theo ông Mercago, mâu thuẫn trong việc sử dụng các dung dịch khoan hiệu quả và ảnh hưởng của nó đối với môi trường hiện đang là một thách thức đối với các nhà lãnh đạo trong khu vực.
“Đây thực sự là một thách thức giữa vấn đề giảm chi phí, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Có vẻ như dung dịch khoan càng mạnh và hiệu quả thì nó lại càng kém thân thiện với môi trường. Làm thế nào để cân bằng? Nếu như chúng ta có thể xây dựng một tiêu chuẩn chung, nó sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và nhiều nhà đầu tư sẽ chấp nhận và trong trường hợp này sẽ là WIN – WIN cho mọi người.”

No comments:

Post a Comment