Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 10, 2011

Hà Nội 'quan tâm tình hình Ai Cập'

HÀ NỘI (NV) - Nhà cầm quyền Hà Nội quan tâm theo dõi tình hình Ai Cập mà ngày Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN đưa ra lời tuyên bố bày tỏ sự quan ngại và mong muốn nhìn thấy nước này sớm ổn định chính trị.

Hàng chục ngàn người dân Ai Cập biểu tình ngày 9 tháng 2, 2011 ở thủ đô Cairo, đòi tổng thống phải từ chức. (Hình: AP Photo/Emilio Morenatti)

Trên trang nhà của Bộ Ngoại Giao, người ta thấy một lời phát biểu ngắn của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam, trả lời một câu hỏi không biết của ai hỏi về “phản ứng của Việt Nam về tình hình Ai Cập gần đây.”
Bà trả lời rằng: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định.”
Phần lớn các tờ báo và đài phát thanh có trang báo điện tử của hệ thống báo chí tuyên truyền ở Việt Nam, kể cả hãng thông tấn chính thức của Hà Nội, loan tin rất giới hạn (không có hình ảnh) về các biến động chính trị ở cả Tunisia và Ai Cập. Người dân Tunisia đã biểu tình từ giữa tháng 12, 2010 dẫn đến việc tổng thống nước này phải chạy trốn ra nước ngoài. Các cuộc biểu tình đòi tự do cơm áo ở Ai Cập bắt đầu từ khoảng ngày 25 tháng 1, 2011 hiện còn đang tiếp diễn với đòi hỏi ông tổng thống đã ở lỳ trên hệ thống quyền lực độc diễn, độc tài suốt gần 30 năm qua, phải ra đi tức khắc.
Tuy Việt Nam, Tunisia và Ai Cập khác biệt về chủng tộc, văn hóa, kinh tế và chính trị, cả ba đều chịu đựng chế độ độc tài, quyền lực chính trị không thuộc về nhân dân. Tầng lớp thống trị thì giàu có, sống xa hoa hoang phí, trong khi đại đa số thì nghèo khổ.
Trang tin điện tử của Ðài Phát thanh Hà Nội ngày 8 tháng 2, 2011 có bài bình luận dè dặt với tựa đề: “Thấy gì từ sự kiện ở Ai Cập,” viết mở đầu rằng: “Nếu kịch bản sụp đổ ở Tunisia lặp lại tại Ai Cập sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới.”
Sau khi kể lại một vài chi tiết về sự sụp đổ của chế độ Ben Ali ở Tunisia, các đòi hỏi dân chủ và cơm áo của người Ai Cập, sự xoa dịu dân chúng của nhà cầm quyền Yemen, Syria, Algeria ở Trung Ðông, bài bình luận của VOV kết luận rằng: “Như vậy, sự thay đổi là tất yếu, nhưng liệu có hay không hiệu ứng domino của cuộc ‘cách mạng Hoa Nhài,’ thì câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.”
Trong khi đó, trả lời đài phát thành RFA, Luật Sư Lê Thị Công Nhân phát biểu: “Với sự kiện ở Tunisia rồi Ai Cập và các nước Ả Rập khác, tất nhiên những người như chúng tôi trong phong trào dân chủ quan tâm đến vấn đề chính trị nói chung và dấn thân vào hoạt động chính trị bên ‘lề trái’ thì chúng tôi đặc biệt quan tâm hơn và vui mừng.”
“Và tôi tin chắc rằng những người lãnh đạo của CS VN nói riêng và cả đảng CS nói chung sẽ quan tâm và suy nghĩ. Vì thực chất họ biết là có những tương đồng với những thể chế bị lật đổ đó, nên họ phải suy nghĩ đến sự đổi thay.”
Còn Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế ở Sài Gòn thì cho rằng: “...lòng dân đã như thế, xu thế thời đại đã như thế trong khi các cường quốc đều muốn có một sự thay đổi dân chủ để phát triển, thì theo tôi, phong trào dân chủ VN có được những yếu tố thuận lợi. Có thể sau những diễn biến ở Tunisia, ở Algeria, ở Ai Cập thì cuộc cách mạng dân chủ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở VN và Miến Ðiện có rất nhiều cơ may xảy ra trong một thời gian rất nhanh.” Ông nói với đài RFA.

No comments:

Post a Comment