Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 7, 2011

Giá cà phê Robusta cao kỷ lục

Giá cà phê Robusta ở Tây Nguyên vượt qua mức 40.000 đồng/kg cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Giá xuất khẩu nhân thô của các doanh nghiệp sau ngày Tết cũng đạt mức trung bình 2.080 USD/ tấn.
Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 1,1 triệu tấn hạt cà phê trị giá 1,7 tỷ USD, năm nay dù sản xuất khó khăn vì thời tiết xấu nhưng kim ngạch ước đạt 2 tỷ USD.
Nam Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam Vicofa, đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam.
Đối với thông tin sản lượng thu họach cà phê giảm dẫn đến nguồn cung giảm, từ TP.HCM ông Đỗ Hà Nam nhận định:

"Nhìn chung trên năng suất thì giảm từ 15 tới 20% nhưng cũng tùy theo các khu vực khác nhau. Nếu về tổng lượng thì cũng như năm ngoái đánh giá là giảm, nhưng vì diện tích tăng nên khả năng sản lượng giảm không phải là lớn. Ước tính lượng xuất khẩu năm nay đã được 50% rồi, có khả năng từ nay đến cuối năm nguồn hàng không nhiều. Trong khi đó các công ty nước ngoài đầu cơ trữ tại Việt Nam cũng tương đối lớn, cho nên áp lực xuất khẩu ra nước ngoài sẽ giảm và về giá thì sẽ rất vững trong thời gian tới."   

Nguồn cung giảm ...

Nam Nguyên: Có thông tin nông dân đang ghim hàng không bán, thưa ông có thực như vậy không hay cà phê đang nằm trong kho đại lý hoặc kho doanh nghiệp?

Ông Đỗ Hà Nam: "Năm nay có may mắn là ngay từ đầu vụ thì giá đã lên rất tốt, người nông dân tuy chi phí rất nặng nhưng họ là người sản xuất ra hàng, khả năng ghim hàng được thuận lợi chứ không đến mức buộc phải bán ra. So với các năm trước, năm nay cơ hội ghim hàng của người nông dân chắc chắn có. Nhưng mức độ ghim bao nhiêu, thì theo chúng tôi đánh giá, năm nay giá rất cao nên người ta chỉ bán ra để đủ trang trải thôi, ngoài chi phí ai còn hàng thì khả năng giữ lại là rất lớn. Dư luận thị trường trong ngoài nước cho là giá sẽ ở mức 2.500 USD/tấn, như vậy những người khá giả sẽ có xu hướng giữ hàng lại."
Nam Nguyên: Hiện nay Việt Nam vẫn thụ động với giá cà phê trên các sàn giao dịch thế giới hay đang có một phần ảnh hưởng?
Ông Đỗ Hà Nam: "Thực ra hiện nay Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ sàn giao dịch thị trường Luân Đôn và đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi ảnh hưởng này.
Đã có những cố gắng thiết lập sàn giao dịch như của Buôn Ma Thuột, rồi các doanh nghiệp nỗ lực lập các sàn giao dịch mới, hoặc như sàn Singapore. Người ta cố gắng giảm áp lực sàn Luân Đôn, nhưng trên thực tế mức độ ảnh hưởng của các sàn mới còn rất yếu và Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng sàn Luân Đôn rất nặng.
Nhưng để chống lại thì cách tốt nhất doanh nghiệp nên hạn chế bán hợp đồng kỳ hạn xa, khi bán thì chốt giá ngay để không bị việc người ta điều khiển thị trường dẫn tới sai lệch giá mua giá bán, hậu quả có thể dẫn tới thiệt hại. Không dám chốt giá dẫn tới thiệt hại cho xuất khẩu. Chúng ta cố gắng thoát khỏi một phần ảnh hưởng thôi, trước mắt vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn."
Nam Nguyên: Bán cà phê nguyên liệu thì ít có giá trị gia tăng so với cà phê đã chế biến, nhưng Việt Nam quá non trẻ về vấn đề này, theo ông nên chọn hướng đi nào? 

Ông Đỗ Hà Nam: "Cà phê hạt của Việt Nam xuất khẩu mỗi năm trên một triệu tấn. Nếu cà phê rang rồi thì bắt buộc phải dùng ngay, thời gian tối đa từ 6 tháng tới 1 năm đối với bao bì đóng gói tốt, nếu không thì trong vòng 3 tháng phải tiêu dùng hết. Xu hướng là không thể đưa hết sản lượng đó vào chế biến được. Tất cả các nước khác kể cả Mỹ người ta xây dựng những silos lớn đưa cà phê hạt vào trong đó trữ và bảo quản tốt với hệ thống lạnh, thậm chí có thể trữ từ 2 tới 3 năm.
Nguyên tắc là hạt phải được tạm trữ mà lâu nay Việt Nam không có khả năng này. Các hệ thống quản lý hàng có chất lượng tốt ở Việt Nam không có, cho nên sản xuất tới đâu bán tới đó rồi về các kho của các nhà đầu cơ nhà kinh doanh trên thế giới rồi họ mới bắt đầu trữ lại. Chính vì họ là người trữ cho nên họ có thể điều tiết thị trường giá. Còn nếu Việt Nam muốn điều tiết thị trường giá thì chúng ta phải là người tạm trữ.
Hiện nay Việt Nam không có hệ thống kho vì phải đầu tư rất lớn, hơn nữa về mặt lưu lượng hàng hóa xu hướng chung là muốn mua ngay bán ngay để có cái chênh lệch thôi, còn đầu cơ thì do số vốn quá lớn không có doanh nghiệp nào đủ lực để thực hiện tạm trữ được. Lâu nay chúng tôi đã trình chính phủ nhưng về xu hướng chính phủ rất hạn chế tham gia những họat động này."

... nên giá tăng

Nam Nguyên: Với tình hình giá cả hiện giờ, năm nay có phải là cả doanh nghiệp và người trồng cà phê đều được thuận lợi, thưa ông?            
Ông Đỗ Hà Nam: "Thực ra trong kinh doanh không có nghĩa hễ cứ giá lên thì tất cả đều tốt. Bởi vì ngành cà phê khác với các ngành kinh doanh khác, vì người ta phải bán theo kỳ hạn.
Mà xu hướng chung khi giá lên người ta rất sợ giá cà phê sẽ quay đầu. Cho nên cũng có doanh nghiệp áp dụng chính sách bán trước rồi mua sau. Trong tình hình hiện nay những trường hợp như thế rất là rủi ro. Còn có những trường hợp họ cho là giá lên họ cứ tiếp tục mua, với người nông dân thì cố gắng trữ, giá lên nữa thì tâm lý chung là rất phấn khởi. Nhưng trong ngành cà phê thì đó là con dao hai lưỡi, bởi vì cái gì lên giá thì cũng có giới hạn thôi.
Nếu không có biện pháp khuyến cáo tốt cho nông dân thì rất dễ xảy ra trường hợp, khi giá lên găm hàng lại, khi bắt đầu giá xuống thì ồ ạt bán ra, việc này dẫn tới làm sụp đổ thị trường giá cả. Đặc biệt Việt Nam ảnh hưởng thị trường toàn cầu rất lớn, Việt Nam chiếm 15% lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu, riêng Robusta thì chiếm khoảng trên 30%."
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Đỗ Hà Nam đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.                                     

No comments:

Post a Comment