Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

Dịch vụ y tế có đến với người nghèo?

Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trên thế giới có khoảng 1 tỉ người dân không nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế mà họ cần vì không có đủ khả năng để chi trả tiền khám chữa bệnh.
Trong khi chi phí khám chữa bệnh ngày càng gia tăng tại các nước, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Tình trạng này đã đẩy hơn 100 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh cơ cực.
Còn tại Việt Nam, thực trạng việc khám chữa bệnh của người nghèo ở đó ra sao. Quỳnh Như hỏi chuyện một số người quan tâm.

Không đủ tiền chi trả Một cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển của cơ quan Liên Hiệp quốc (UNDP) thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cuối năm 2010 cho thấy: 1,47% trong số những người được hỏi ở Hà Nội trả lời rằng họ không đến bệnh viện khám bệnh vì không có tiền để chi trả, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì con số này hơn gấp đôi 3,77%.
Thêm vào đó, lý do khiến những người này khi ốm đau không đi bệnh viện hoặc đến bác sĩ khám bệnh là vì họ chủ quan, cho rằng bệnh của họ nhẹ nên không cần phải mất tiền khám bệnh.
Trong Hội nghị Khoa học Kinh tế Y tế lần thứ nhất tổ chức vào tháng 12 năm 2010, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến người nghèo và dịch vụ khám chữa bệnh. Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, nguyên Cục Trưởng Cục Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết về sự nghịch lý trong xã hội hiện nay là, người nghèo thường hay mắc bệnh nhiều, nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh lại thấp hơn, so với các đối tượng khác. Theo người từng đứng đầu Cục Khám Chữa bệnh này, có khoảng 40% người nghèo khi bệnh không được điều trị chỉ vì họ không có đủ tiền để chi trả cho các chi phí chăm sóc y tế.
Ông Kính cũng đưa ra một vài số liệu đáng lưu ý như, người nghèo đi khám bệnh khoảng 2,9 lượt/năm, trong khi đối với những người có đủ điều kiện về vật chất là 4,7 lượt/năm; 40% người có tiền sử dụng dịch vụ y tế ngoại trú tại tuyến tỉnh, nhưng người nghèo chỉ khoảng 12%. Lý do chính là vì người nghèo không có đủ khả năng về tài chính.


Đặc biệt đối với người nghèo sống ở miền núi thì tình hình càng tồi tệ hơn vì quá nhiều “rào cản” như các thủ tục rườm rà, nhiều quy định phức tạp. Thêm vào đó việc đi lại cũng gây tốn kém không ít cho họ.
Anh Hà Minh Đức làm việc tại một bệnh viện tư; anh Đức cũng đã từng thăm nuôi người nhà tại các bệnh viện. Anh đưa ra nhận xét như sau:
“Theo tôi thấy việc chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo ở Việt Nam cũng có những bước phát triển so với những năm trước, nhưng thực tế bây giờ nếu mình quá nghèo, không có đủ tiền bạc thì cũng không thể nào vào một bệnh viện nào điều trị cho dứt bệnh được.
Ngay những bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù đó là một bệnh viện công hoàn toàn, nhưng khi vào đó thì tất cả những hoạt động liên quan đến việc khám chữa bệnh đều phải có tiền hết, từ việc chụp X-quang, cho đến việc khám bệnh đều phải có tiền hết. Cứ đóng tiền thì sẽ khám bệnh, sẽ chụp X-quang, còn không có tiền là thấy mệt. Rồi sau đó, nếu người nào có bảo hiểm y tế thì sẽ được hoàn trả lại, còn đối với những trường hợp không có bảo hiểm y tế thì sẽ phải trả nguyên cả số tiền đó. Hoặc khi mới vô nhập viện thì phải đặt tiền cọc trước, ví dụ khoảng 2 triệu hay 5 triệu đồng gì đó, nếu trường hợp có chỉ định mổ, tuỳ theo. Rồi sau đó sẽ trừ dần cho các khoản lệ phí, nếu vượt quá thì khi xuất viện sẽ phải đóng thêm cho đủ số, nếu còn dư sẽ thối lại số tiền còn thừa. Chỉ có những người có bảo hiểm y tế thì tiền viện phí tương đối thấp, còn đối với những người không có bảo hiểm thì phải đóng tiền rất nhiều. Thành ra nếu nghèo thì chắc cũng khó mà hy vọng được chữa bệnh một cách đầy đủ, hoàn thiện.”

Anh Đức nêu lên một ví dụ mà anh đã chứng kiến:

“Anh Nhâm ở tỉnh Đồng Tháp, khi bị tai nạn vào bệnh viện phải cưa mất một cánh tay, trong thời gian điều trị ở bệnh viện anh này phải vay mượn tiền từ những người hàng xóm, và khi về nhà thì anh thiếu nợ khoảng cả chục triệu, phải làm lụng để trả lại. Nhưng kẹt một nỗi là bây giờ chỉ còn một tay. Thành ra, từ người lái xe bây giờ anh chỉ bưng cà phê bán phụ vợ để từ từ trả lại số tiền nợ.”  

No comments:

Post a Comment