Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 20, 2011

Công an VN vu cáo những người Khmer Krom tham gia khiếu kiện đất đai

Công an Việt Nam chụp mũ một người Khmer Krom tham gia các tổ chức phản động và đứng đầu các cuộc khiếu kiện đất đai hồi năm 2007-2008, nhưng sau đó Công an không tìm thấy tội, cuối cùng Công an cáo buộc ông ấy về tội phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Hiện Công an đang tìm bắt một người Khmer Krom khác vì có liên quan vụ việc trên.
Trong lúc một người Khmer Krom từng bị chụp mũ đứng đầu tổ chức khiếu kiện đất đai bị bắt tạm giam bởi cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và cáo buộc về tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng vào cuối năm 2010, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn tiếp tục mời một người Khmer Krom khác với lý do có liên quan vấn đề tham gia khiếu kiện đất đai.

Cố ý hủy hoại tài sản, gây rối trật tự

Một người Khmer Krom tên Chau Ing, 53 tuổi, quê quán ở ấp Bà Xài, xã An Cư, huyện Tịnh Biên nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn mới ra giấy mời ông đến làm việc tại cơ quan cảnh sát huyện liên quan vấn đề tham gia khiếu kiện đất đai. Ông cho biết, vừa qua ông cùng với hơn 400 gia đình nông dân Khmer Krom thuộc huyện Tịnh Biên tổ chức khiếu kiện đất đai từ cấp xã đến Trung ương sau khi bị Chính quyền địa phương tịch thu trong năm 1978 tuy nhiên không bất cứ cá nhân nào là người đứng đầu hay kích động trong các hoạt động khiếu kiện này.
Ông Chau Ing nói rằng, Trung tá Đào Văn Hùng, trưởng cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn ra giấy mời ông đến làm việc vào lúc 14 giờ, ngày 18 tháng 2 vừa qua, nhưng ông từ chối đến gặp vì sợ bị công an bắt giữ như trường hợp ông Chau Hêng trước đây, đặc biệt trong giấy mời viết rằng ông có liên quan ông Chau Hêng. Ông giải thích thêm việc ông từ chối đến gặp cảnh sát điều tra:
“Tôi không biết liên quan vụ gì nữa. Còn vụ khiếu nại đất ruộng, đất rẫy thì ông Chau Hêng cũng có khiếu nại đất đai và tôi cũng có...Tôi không dám đi, vì tôi sợ mấy ông ấy bắt tôi nhốt, vì mấy ông ấy muốn nhốt tôi không. Tại vì nó nói lý do là mình có liên quan ông Chau Hêng vậy thôi. Tôi khiếu kiện, tôi khiếu kiện theo Pháp luật thôi.”
Ông còn nói rằng, hiện ông rất lo ngại về an ninh của cá nhân ông trong lúc Công an đang tìm kiếm ông, “Tôi không có liên quan gì với ông Chau Hêng đâu. Ông ấy có làm gì sai thì tôi không biết. Tôi khiếu nại theo Pháp luật của nhà nước, tôi đâu có làm gì sai.”
Ông Chau Hêng, 57 tuổi bị cảnh sát xã Châu Lăng bắt giam giữ vào hôm thứ Sáu, ngày 17 tháng 12 năm 2010 sau khi ông trở về Việt Nam được khoảng một tiếng đồng hồ. Ông bị cơ quan cảnh sát điều tra xã Châu Lăng ra thông báo tạm giam 3 ngày, và sau đó cơ quan cảnh sát huyện Tri Tôn ra thông báo tạm giam thêm 87 ngày.


Theo giấy thông báo tạm giam mà Đài RFA nhận được, Trung tá Đào Văn Hùng, trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cáo buộc rằng ông Chau Hêng vi phạm điều 143 tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và điều 245 gây rối trật tự công cộng theo Bộ Luật hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bà Neáng Han, người từng tham gia khiếu kiện đất đai với ông Chau Hêng và nhiều nông dân khác cho biết, bà từng bị cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn mời lên làm việc nhiều lần kể từ khi ông Chau Hêng bị bắt. Cảnh sát điều tra đã giả lời khai của ông Chau Hêng là bà có liên quan vụ tổ chức khiếu kiện đất đai, bà bị ông ấy kích động để kêu gọi nông dân tham gia cùng khiếu kiện.
Nhưng bà cho rằng, bà chỉ khiếu nại đất đai theo Pháp luật Việt Nam quy định, chứ không tụ tập, không biểu tình và cũng không chống đối nhà nước. Bà còn cho rằng, hệ thống tư pháp của Chính quyền Việt Nam có vấn đề bởi vì các chính quyền địa phương tước đoạt đất đai nông dân không bị bắt hay mời đến làm việc, ngược lại chính quyền lại mời và đe dọa nạn nhân. Bà Néang Han cho biết thêm:
“Nói ông Chau Hêng mướn tụi tôi 50 nghìn đồng trên một ngày để lên TP. HCM thưa kiện, và mướn tôi đi phá đất ruộng, nhưng tôi nói ông Chau Hêng không có quậy phá, và tôi cũng không có quậy phá luôn. Tại vì tôi cũng có đất ruộng, ông Chau Hêng cũng có đất ruộng, cho nên không ai mướn ai hết. Ông Chau Hêng không có tiền mua trà uống nữa, thì làm sao có tiền mướn tôi. Đất tôi mất 6 hécta, mà tôi phải ăn 50 nghìn? Một trăm triệu, tôi cũng chưa ăn nữa, đừng nói chi ông Chau Hêng mướn tôi. Ông Chau Hêng bị mất đất ruộng mấy trăm hécta.”
Bà còn cho biết thêm, trong các hoạt động tổ chức khiếu kiện đất đai vừa qua, hàng trăm người Khmer Krom đều tự nguyện khiếu nại và tự làm đơn khiếu kiện chứ không người nào kích động người nào, và họ cũng không tham gia bất cứ tổ chức phản động nào. Bà Neáng Han bày tỏ thêm liên quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn ra giấy mời ông Chau Ing:
“Ông Chau Ing và ông Chau Sơn đi khiếu nại bên Thanh tra ủy ban Hà Nội ở Thành Phố, tôi cũng gặp nhau, rồi quen. Ông đó cũng bị mất đất và tôi cũng mất đất. Tại sao chúng tôi đều bị mất đất mà điện đi chung không được? Mà mấy chú (Công an) đi đập phá nhà Chau Hêng và Huỳnh Út, thì mấy chú điện gọi mấy trăm người lên bắt người ta, đánh như đánh giặc thì mấy chú tính thế nào.”
Liên quan vấn đề ông Chau Hêng đang bị giam giữ tại trại cảnh sát huyện Tri Tôn, bà Néang Thuôn vợ của ông Chau Hêng cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều thứ Bảy, ngày 19 tháng 2 rằng, bà luôn bị Công an trực cổng từ chối không cho bà đến thăm nuôi chồng, mặc dù bà được Công an xã cấp giấy phép cho vào thăm nuôi. Bà bày tỏ quan ngại về sức khỏe chồng bà vì có tin tức rằng, chồng bà bị đối xử tệ hại và tra tấn dã man trong trại giam. Bà Neáng Thuôn nói:
“Tôi có giấy phép thăm nuôi, nhưng công an không cho phép vào, họ nói họ đang họp. Nhưng thân nhân của những người Việt bị giam gần đó, thì công an cho họ vào thăm nuôi. Tôi không biết họ áp dụng luật gì. Họ chỉ nói họ bận họp, mặc dù tôi có giấy đến thăm nuôi.”
Tuy nhiên ông Lê Minh Ngọc, Phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia nói rằng, Chính phủ và nhà nước Việt Nam luôn đối xử công bằng với tất cả người dân, không chỉ người dân Khmer Krom hay dân tộc nào trên lãnh thổ Việt Nam đều được đối xử công bằng như nhau. Ông nói: “việc khiếu kiện đất đai ở khu vực huyện Tri Tôn là do dân bức xuất đền bù chưa thỏa đáng. Mà thật sự vấn đề này đang giải quyết nhưng chưa giải quyết dứt điểm nhưng họ kéo lên và gây rối. Và cái hành vi gây rối này, họ sẽ bị bắt và xét xử theo đúng Pháp luật Việt Nam.”
Trưởng ban chấp hành Liên Minh Khmer Kampuchia Krom Thạch Ngọc Thạch cho rằng, tất cả vấn đề tịch thu đất đai của nông dân Khmer Krom và các dân tộc khác bởi chính quyền địa phương là có Chính phủ Việt Nam đứng phía sau, chứ không phải tổ chức phản động nào. Ông Thạch Ngọc Thạch nói:
“Chúng ta đặt vấn đề, ai là người đứng đằng sau sự việc này, chính phủ Việt Nam là người đứng sau những vấn đề. Chính phủ đứng phía sau dân họ, Chính phủ ủng hộ dân họ tịch thu đất đai nông dân Khmer, nhưng trong khi nông dân tổ chức khiếu kiện thì Chính phủ lại cáo buộc họ là đòi ly khai, cáo buộc là khủng bố, cáo buộc là người gây rối trật tự xã hội…Đây là cái bẫy của Chính phủ Cộng sản Việt Nam đang thực hiện nay. Ngoài ra, vấn đề ông Chau Ing, thì chỉ là một biện pháp để đàn áp tinh thần nông dân. Và điều này không có gì lạ trong xã hội Việt Nam hiện nay.”
Ông Thạch còn cho biết, tuần qua, báo cáo từ Ủy ban Dân tộc thiểu số Quốc tế cũng chứng minh rằng Chính phủ Việt Nam đàn áp tinh thần, vi phạm nhân quyền, quyền tự do được giáo dục, quyền phụ nữ và quyền được sống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Và ông hy vọng, Quốc tế sẽ thay đổi hệ thống đàn áp dân tộc thiểu số của Chính phủ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment