Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, February 18, 2011

Cây xăng đóng cửa chờ giá mới

SÀI GÒN (TH) - Cây xăng tại nhiều tỉnh thành kể cả Sài Gòn đã “găm” hàng, treo bảng hết xăng hay sửa chữa vào lúc có tin giá xăng sắp sửa tăng. Hậu quả, người cần xăng chạy xe không có xăng, nhà nông cần chạy máy bơm không có xăng, tàu đánh cá không ra khơi được vì không mua được dầu, gây thiệt hại kinh tế dây chuyền.

Ngay từ những ngày Tết Tân Mão, người ta đã thấy một số cây xăng “giở chứng” mà báo Tiền Phong nói rằng “gây ra cảnh dở khóc dở cười” vì cây xăng treo bảng đóng cửa bất ngờ.

Bây giờ, tin đồn xăng sắp tăng giá được khẳng định qua cái công điện của ông Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng làm cho các chủ cây xăng mạnh dạn hơn.

“Ngày 17 tháng 2, tại đại lý bán lẻ xăng dầu Hưng Thịnh (An Phú Ðông, quận 12), đã kéo hàng rào đóng cửa hàng, một thanh niên đang nằm ‘ngóc’ đầu lên và cho biết là vừa nghỉ bán.” Báo Người Lao Ðộng viết: “Tương tự, khi vào đại lý bán lẻ xăng dầu An Lộc, trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp (có bảng hiệu Công ty Thương mại Dầu khí Ðồng Tháp), cũng treo bảng ‘nghỉ bán,’ một thanh niên tại đây lạnh lùng bảo: ‘Hết xăng, đi chỗ khác đổ.’”

Lý do hiện nay các cây xăng không “mặn mà” bán hàng vì “càng bán càng lỗ.”

“Ông Thành, chủ một cây xăng ở quận Tân Bình Sài Gòn, cho biết trước đây, cây xăng được hưởng hoa hồng lên đến 500 đồng, 600 đồng/lít.” Báo Người Lao Ðộng kể. “Nhưng từ vài tháng qua, mức hoa hồng này giảm liên tục, hiện chỉ còn khoảng 50 đồng/lít. Trong khi, theo giới kinh doanh xăng dầu, chi phí mặt bằng, nhân công, điện cho cây xăng đã chiếm từ 300-400 đồng/lít.”

Ðó là chuyện Sài Gòn, theo tờ Người Lao Ðộng, rất nhiều cây xăng ở các tỉnh hoặc đóng cửa, hoặc bán cầm chừng, làm xáo trộn hết sinh hoạt của người dân.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Sáu: “Hơn ba ngày nay, hàng loạt cây xăng ở các huyện Lâm Hà, Ðức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm... (Lâm Ðồng) đóng cửa ‘ngừng bán,’ khiến nhiều hộ nông dân trồng cà phê khốn đốn vì không có xăng dầu chạy máy tưới.”

Theo nguồn tin này: “Ngày 18 tháng 2, 2011, rảo qua các cây xăng dọc quốc lộ 20 qua các huyện Ðức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và quốc lộ 27 qua huyện Ðức Trọng, Di Linh, chúng tôi thấy hàng chục cây xăng treo bảng ngừng bán. Một số cây xăng vẫn hoạt động nhưng bán cầm chừng với số lượng nhỏ giọt.”
Báo Người Lao Ðộng, trong một số bản tin khác nói tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, An Giang, Kiên Giang. Ngày hôm qua, một số báo đã nêu ra tình trạng găm hàng của một số cây xăng tại Ðồng Tháp, Thanh Hóa.

Tại An Giang, theo báo Người Lao Ðộng, cây xăng không bán cho người chạy xe gắn máy quá 20,000 đồng, xe hơi chỉ được đổ tối đa 100,000 đồng.

“Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 13,000 tàu đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ, trong đó, chỉ riêng TP Rạch Giá đã có hơn 11,000 tàu. Tuy nhiên, rất nhiều chủ tàu đang khốn đốn vì không mua được dầu cho những chuyến ra khơi hoặc phải mua giá cao hơn giá bán đang áp dụng.” Báo người Lao Ðộng kể: “Sau Tết đã gần nửa tháng, ông Trà, chủ tàu cá ở Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, vô cùng bức xúc vì bị lỡ chuyến đi biển đầu năm. Ông Trà cho biết kế hoạch gia đình ông sẽ xuất hành 2 tàu cá vào mùng 6 Tết nhưng không thực hiện được do không mua đủ nhiên liệu.”

Không những vậy, báo này còn cho hay ông Lộc, một chủ tàu cá ở TP Rạch Giá, cho biết từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, nhiều cửa hàng ở đây đã đẩy giá bán dầu lên đến 16,800 đồng/lít, cao hơn giá đang áp dụng khoảng 2,000 đồng/lít.

Dù vậy, vì cần dầu, “nhiều ngư dân phải bấm bụng mua giá cao để có dầu ra khơi. Không mua dầu trong nước được, một số ngư dân tìm mua dầu trên biển do các doanh nghiệp của Thái Lan bán với mức 16,200 đồng/lít.”

No comments:

Post a Comment