Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 13, 2011

Cấm cuộc thi hôn tập thể của 200 người ở Hải Phòng

Bị cho là “phản cảm, ảnh hưởng không tốt tới dư luận”

HẢI PHÒNG 12-2 (TH) - Một cuộc thi hôn tập thể với 100 cặp nam nữ dự trù diễn ra ở Hải Phòng vào ngày Chủ Nhật 13 tháng năm 2011, một ngày trước Ngày Tình Nhân (Valentine Day) đã bị nhà cầm quyền thành phố cấm tổ chức.

Văn bản “không cấp giấy phép” cuộc thi hôn của Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch, thành phố Hải Phòng. (Hình: Dân Trí)

Rất nhiều báo ở Việt Nam đưa tin cấm này vào ngày báo Dân Trí loan tin giới trẻ ở Sài Gòn “sốt sắng” chuẩn bị Ngày Tình Nhân 14 tháng 2 năm nay.
Ngày Tình Nhân là một trong những phong tục mà người ở Việt Nam du nhập từ Hoa Kỳ và “ăn theo” những năm sau này bên cạnh những phong tục khác như “Ngày Của Cha”, “Ngày Của Mẹ”, “Ngày Ma Quỉ,” v.v.
“...Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Hải Phòng không cấp giấy phép cho chương trình ‘Bữa tiệc của những nụ hôn’ vì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, dễ gây phản cảm với khán giả, ảnh hưởng không tốt tới dư luận”.
Lại Ðình Ngọc, phó giám đốc sở vừa nói ký tên trên văn thư gửi cho “Công ty truyền thông Thương Hiệu Vàng” là công ty đứng ra xin phép tổ chức cuộc thi hôn, viết như vậy để từ chối cấp giấy phép.
Khi thấy Sở VH-TT-DL từ chối cấp giấy phép, “Cung Văn Hóa Lao Ðộng Hữu Nghị Việt Tiệp” ở thành phố cũng rút lại hợp đồng cho thuê để tổ chức cuộc thi hôn. VietNamNet khi đưa tin này còn nói thêm “Cung Văn Hóa cũng lưu ý người dân không tụ tập hiếu kỳ”.
Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị “Theo danh sách lập đến chiều ngày 9 tháng 2, đã có 92 cặp đôi đến từ các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên... đăng ký tham gia cuộc thi hôn (đã bị dừng) tại Hải Phòng. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1967, nhỏ tuổi nhất sinh năm 1992, số cặp đôi tham gia thuộc thế hệ 8X chiếm đa số”.
Tờ SGTT kể trường hợp đăng ký của một cặp vợ chồng lấy làm tiếc vì cuộc thi bị bãi bỏ: Vợ chồng chị Ðinh Thị Thương (sinh năm 1985)-Trần Quang Thiêm (sinh năm 1977) ở Nam Ðịnh đã ra Hải Phòng chuẩn bị tham dự thi hôn. Chị Thương cảm thấy hơi tiếc nuối vì cuộc thi đã bị dừng. “Em tham gia thi hôn vì muốn có một kỷ niệm đáng nhớ giữa hai vợ chồng. Bố mẹ có biết và ủng hộ vợ chồng em tham gia thi hôn. Em thấy cuộc thi hôn này bình thường thôi, không có gì ghê gớm hay vi phạm đạo đức như mọi người nói cả.”
Ðể tham dự cuộc thi “Bữa tiệc của những nụ hôn”, các người tham dự phải ký một tờ cam kết “không vi phạm nội quy, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phong tục tập quán cũng như những quy định của pháp luật” và “tham gia cuộc thi nghiêm túc, văn minh, không vi phạm luật hôn nhân và gia đình”.
Tin về cuộc thi hôn ở Hải Phòng đã được nhiều báo ở Việt Nam đăng tải. Báo Người Lao Ðộng viết rằng “Trong những ngày qua, ‘Bữa tiệc của những nụ hôn’ do đơn vị này tổ chức đã khiến cộng đồng mạng xôn xao, trở thành đề tài ‘hot’ trên các diễn đàn dành cho tuổi teen, giới trẻ và cả những diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, gây nên những dư luận trái chiều”.
Nhưng trước đây, theo báo NLÐ “Ðây không phải là lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, vào ngày 31 tháng 12, 2009 và 1 tháng 1, 2010, một cuộc thi hôn nhau đã diễn ra tại khu du lịch Tình Yêu, Ðà Lạt-Lâm Ðồng, dự kiến có 500 đôi tham gia nhưng cuối cùng chỉ có 59 đôi.” Tức là nhà thành phố Ðà Lạt không coi cuộc thi hôn tập thể là “phản cảm” hay “ảnh hưởng không tốt tới dư luận”.
Tháng 4 năm 2009, nhà cầm quyền thành phố Huế đã cấm tổ chức một cuộc triển lãm hội họa của họa sĩ Kim Ðính lấy cớ “một số bức ‘không đạt chất lượng nghệ thuật’ và “không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

No comments:

Post a Comment