Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 13, 2011

Cách mạng hoa nhài là chuyện người ta!

Người Việt Nam loay hoay cơm áo

Sau Tết là những lo toan...

Những ngày Tết ăn chơi, nghỉ ngơi rồi cũng qua đi. Với đa số người dân Việt Nam, Tết ra là lúc họ tiếp tục đối mặt với bao nhiêu vấn đề phải lo toan của cuộc sống thường ngày, trong một môi trường còn quá nhiều bất ổn về kinh tế và xã hội.

Trang mạng báo Pháp Luật Thành Phố, bên cạnh tấm thiệp chúc Tết, là bài “Chợ máu ngày đầu năm” với người ta ngồi chờ đông nghẹt để bán máu.

Vấn đề đầu tiên là vật giá. Ở Việt Nam, trước Tết bao giờ giá cả sinh hoạt cũng tăng gấp mấy lần, do nhu cầu mua sắm tăng lên và một phần do tâm lý “chặt chém” của người bán nhân dịp Tết. Nhưng Tết ra, nhu cầu của người dân vẫn cao mà rau, thịt... thời gian này lại khan hiếm nên thông thường trong vòng một vài tuần lễ giá cả vẫn chưa trở lại ổn định. Ðối với người nghèo, đi chợ trước và sau Tết là cả một nỗi khổ tâm. Cũng vì thế, trong khi tầng lớp trung lưu hoặc khá giả vẫn còn cảnh vừa làm vừa tiếp tục tận hưởng những dư vị của ngày Tết thì với người nghèo lại khác. Thậm chí, có những cảnh đời như trong phóng sự “Chợ ‘máu’ ngày đầu năm” của báo Pháp Luật TP. HCM, hàng trăm người nghèo ngồi sắp hàng chờ đến lượt bán máu, thứ duy nhất mà họ có, để tồn tại!
Cũng ngay đầu năm, người dân đã nhận được hàng loạt thông tin không lấy gì làm vui về kinh tế. Trong bài “Lượng điện thiếu hụt nặng so với năm 2010”, báo Thanh Niên số ra ngày 9 tháng 2, 2011 theo nguồn tin từ Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) cho biết, “lượng điện thiếu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2010” và ngành điện sẽ “cắt điện nhiều từ cuối tháng 2”. Cảnh thiếu điện, cắt điện thường xuyên diễn ra từ bao năm nay, đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người cho đến công việc kinh doanh sản xuất, công-nông nghiệp... Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước là một thực tế mà ai cũng thấy. Không chỉ thiếu điện, ngành điện lực thông báo giá điện sẽ tăng lên. Và “có thể tăng đến 32%” (báo Dân Việt ngày 11 tháng 2, 2011). Giá xăng dầu cũng tăng. Báo Người Lao Ðộng ngày 12 tháng 2, 2011 đưa tin “Ðiều chỉnh giá điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường”.
Mỗi khi giá xăng dầu, điện nước tăng, người dân chỉ còn biết thở dài, than trời. Xăng dầu hay điện ở Việt Nam là những ngành độc quyền của các công ty nhà nước, muốn tăng lúc nào, tăng bao nhiêu thì tăng. Người dân tự hỏi vì sao các tập đoàn kinh tế quốc doanh được hưởng bao nhiêu chính sách ưu ái từ nhà nước mà chỉ thấy kêu lỗ? Như ngành điện chẳng hạn, lúc nào cũng than lỗ rồi nâng giá, bắt dân phải gánh chịu, trong khi năm 2008, báo chí đã từng đưa tin Tập Ðoàn Ðiện Lực VN xin trích 1,002 tỷ đồng để khen thưởng cho cán bộ viên chức của ngành!
Với giới nông dân, công nhân hay công chức đi làm ăn lương mỗi tháng, thu nhập không bao nhiêu mà những mặt hàng thiết yếu của đời sống lại cứ thường xuyên tăng nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Các cơ sở kinh doanh cũng gặp khó vì giá xăng dầu tăng, từ đó các mặt hàng sản xuất cũng phải nâng giá theo.
Bên cạnh đó là hàng loạt những biện pháp, chính sách về kinh tế của nhà nước cũng “gây choáng” cho người dân. Từ lãi suất ngân hàng. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 2 năm 2011 “Trái với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, ngay những ngày đầu năm 2011 nhiều doanh nghiệp, người vay tiền lại nhận được thông tin tăng lãi suất.
Mặt bằng lãi suất cho vay mới lên đến 19-20%, ngang mức “đỉnh” của năm 2008.”! Với mức lãi suất như vậy thì người kinh doanh chỉ có cách thu hẹp sản xuất lại chờ thời mà thôi.
Ðể thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và các ngoại tệ chính như đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do, các ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cho điều chỉnh tỷ giá chính thức 9.3%, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990 đến nay. “Với động thái này, tỷ giá chính thức đang giao dịch tối đa là 19,500 VND/USD được nâng lên 20,900 VND/USD. Và mỗi USD đắt hơn so với trước đó một ngày là 1,400 VND, tăng tương ứng 7.17%. Còn nếu so với một năm trước, lúc tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 18,544 VND/USD và biên độ tỷ giá là +/-3%, tỷ giá chính thức được phép mua bán tối đa là 19,100 VND/USD thì đồng USD hiện nay đã tăng giá tới 9.42%! Hay nói cách khác, VND đã bị giảm giá trị chừng đó phần trăm sau một năm so với đồng USD. (Báo VNEconomy ngày 11 tháng 2, 2011).
Theo nhiều chuyên viên về kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền là cần thiết, giúp cho việc bình ổn thị trường ngoại hối, tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, hạn chế nhập siêu, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về các vấn đề lạm phát từ việc điều chỉnh này. Ðiều đó cho thấy kinh tế Việt Nam, bất chấp con số tăng trưởng, vẫn chứa đầy bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao, đồng tiền liên tục mất giá, nợ nước ngoài tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ còn 10 tỷ đô la Mỹ cuối năm 2010 từ con số 16 tỷ một năm trước đó (theo BBC ngày 9 tháng 2, 2011). Nhà nước Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm nếu muốn thực hiện được mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Thực tế ở Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, từ kinh tế, chính trị cho đến giáo dục, các biện pháp của nhà nước luôn luôn chỉ là thay đổi vừa đủ, không triệt để, không tận “gốc” nên những vấn đề tồn tại từ lâu trong từng lĩnh vực vẫn còn đó. Còn với người dân, họ chỉ lờ mờ hiểu được sự bất ổn của nền kinh tế qua những ảnh hưởng cụ thể, sát sườn trong cuộc sống hàng ngày từ giá, lương, tiền, và thực sự là sức chịu đựng của họ đã bị thử thách quá lâu.

Những cuộc cách mạng Tusinia, Ai Cập với người Việt

Mặt khác, cũng chính vì quá bận tâm với những vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày, chưa kể lại lo chuyện ăn Tết và “hậu Tết”, người Việt Nam dường như chẳng để tâm mấy đến chuyện cách mạng hoa nhài ở Tunisia hay cuộc biểu tình ở Ai Cập vừa qua. Trong khi những chiến thắng mang tính lịch sử của các dân tộc này được cả thế giới quan tâm theo dõi, đồng thời đã đem lại niềm hy vọng cho người Việt ở hải ngoại và số ít những người có quan tâm đến tình hình chính trị xã hội ở trong nước, thì nó lại không có ảnh hưởng gì nhiều đến số đông người dân bình thường. Có lẽ vì vậy mà thông tin về những sự kiện này mới có thể xuất hiện trên báo chí lề phải ở Việt Nam trong lúc bị cấm ngặt ở Trung Quốc chăng?
Tuy nhiên, không ai cấm những người ưu tư với số phận của đất nước không có quyền hy vọng. Lịch sử các cuộc cách mạng ở các nước Liên Xô, Ðông Âu trước đây hay của các nước Tusinia, Ai Cập bây giờ đã bắt đầu bởi những sự kiện và vào những thời điểm bất ngờ nhất. Các quốc gia độc tài đều mang những căn bệnh giống nhau và đều mục ruỗng từ bên trong, trong khi bên ngoài tưởng như rất hùng mạnh. Việt Nam cũng vậy. Và những chỉ dấu đó chắc chắn bắt đầu từ sự bất ổn về kinh tế. Với một dân tộc mà số đông hiện nay còn loay hoay, tất bật chuyện cơm áo gạo tiền thì nhiều khi sự khủng hoảng về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm hàng ngày sẽ làm cho họ nổi khùng hơn là chuyện đòi tự do dân chủ xa xôi!
Và đến một ngày khi biến cố xảy ra, chỉ mong những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam làm được như những ông tổng thống độc tài của Tusinia, Ai Cập là rút lui thay vì cố giữ quyền lực bằng mọi giá, kể cả cái giá trả bằng máu của nhân dân; và mong rằng quân đội Việt Nam sẽ học được bài học từ quân đội của các nước này là biết dừng lại chứ không tiến lên nã súng hay dùng xe tăng nghiền nát nhân dân, như những đoàn xe tăng của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa trong biến cố Thiên An Môn trước kia!

No comments:

Post a Comment