Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 12, 2011

‘Bão giá’ thức ăn chăn nuôi

Nếu trong kinh tế tài chánh Việt Nam phải đối phó với lạm phát phi mã, thì trong lãnh vực nông nghiệp giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng như ngựa phi.

Chăn nuôi trên bờ vực phá sản

Tờ báo chính thức của Bộ Công Thương Việt Nam bản tin trên mạng ngày 2/2 cảnh báo ngành chăn nuôi trên bờ vực phá sản. Nguyên nhân vì giá thành sản xuất cao hơn giá tiêu thụ, trong khi nghề nuôi luôn gặp rủi ro về dịch bệnh, bất ổn thị trường.
Việt Nam có khoảng 28 triệu heo, 280 triệu gà vịt và đàn trâu bò 9 triệu con. Về nuôi trồng thủy sản, năm ngoái tôm xuất khẩu đạt 240 ngàn tấn trị giá 2 tỷ USD và cá tra với 650 ngàn tấn trị giá 1 tỷ 400 triệu USD.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 15 lần trong năm 2010, tháng đầu năm 2011 loại nhu yếu phẩm cần thiết cho nghề chăn nuôi cũng tăng 4 lần. Thức ăn chăn nuôi công nghiệp gồm nhiều loại trong đó có thức ăn cho gia cầm gia súc và thủy sản.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam nhận định:
“Đúng là một bài toán khó, trên thế giới hiện nay do thiên tai, cho nên sản lượng lương thực nói chung và những sản phẩm nông nghiệp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi khan hiếm, dẫn tới giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Công thương đưa ra một dự báo để sớm tìm ra giải pháp giải quyết.
Nếu như giá thức ăn nhập về sản xuất như hiện nay và giá thành của con cá cũng như con lợn chiếm từ 70 tới 85%, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mà giá xuất khẩu hiện nay đang đứng ở mức tương đối thấp.”
Theo báo điện tử Pháp Luật TP.HCM, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP dự báo năm 2011 này kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm khoảng 400 triệu USD, nguyên do vì thiếu cá nguyên liệu để chế biến. Giá thức ăn nuôi cá tăng cao trong khi đầu ra bấp bênh, người nuôi lỗ vốn bỏ ao không nuôi mới.


Một nông dân nuôi cá ở Cần Thơ xác nhận với chúng tôi, sau mấy ngày Tết giá thu mua cá tra tăng cao kỷ lục, giá tăng do thiếu nguồn cung cấp. Ông nói:
“Đầu năm họ mua khai trương có anh bạn nuôi cá tới lứa được trả giá 24 ngàn đồng/kg nhưng anh này chưa bán. Giữ được giá này thì người nuôi mới có lời. Mình cho ăn thức ăn như Việt Thắng hoặc Con Cò thì 1,6 tới 1,7kg thức ăn cho một kg thịt. Ngoài ra tiền bơm nước, chi phí xử lý ao, tiền nhân công, tổng cộng giá thành 1kg cá tra khoảng 20 ngàn đồng.”

Mặt trái bình ổn giá

Nếu lương thực thực phẩm là yếu tố quan trọng nhất của áp lực lạm phát, thì cảnh báo ngành chăn nuôi bên bờ vực phá sản của Báo Công Thương cho thấy chính phủ chưa có chính sách thích hợp đối với công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo trị giá hơn 3 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu tới 2 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, khô dầu đậu nành và ngay cả cám gạo cũng nhập khẩu. Nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc.
Đa số các nhà máy hiện đại thuộc về các tập đoàn lớn của nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài hưởng hai lần lợi nhuận, nhập khẩu nguyên liệu của chính mình rồi sản xuất và phân phối thành phẩm tại Việt Nam. Thị trường thức ăn chăn nuôi hầu như bị chi phối bởi một nhóm nhỏ các đại gia cả trong ngoài nước.
Người nông dân thường ví von ‘nước lên thuyền lên’, khi giá thành sản xuất tăng cao vì thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, đúng ra thị trường tiêu thụ cũng phải được điều chỉnh thích hợp. Ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh TP.HCM, doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp chế biến và phân phối nhận định:
“Đúng như cảnh báo của Bộ Công thương, giá thức ăn chăn nuôi vừa qua tăng từ 20 tới 25% tùy loại, trong khi thị trường đầu ra tiêu thụ chậm không tăng, có thể do tình hình kinh tế chưa thuận lợi lắm, vừa thoát khỏi khủng hoảng, cuộc sống người dân thu nhập không cao để mà mức tiêu thụ tăng lên. Do đó dè sẻn trong chi tiêu cũng là một xu hướng.
Về đầu ra thì Nhà nước bình ổn giá để cố gắng giảm chỉ số giá tiêu dùng, do đó người chăn nuôi vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, hầu như một bộ phận lớn người ta không tiếp tục chăn nuôi nữa. Đây là một bài toán rõ ràng phải được giải quyết trong năm 2011 này.”
Trên thực tế, ngoại trừ biện pháp miễn giảm thuế nhập khẩu, chính phủ bị bó tay không thể kéo giá thức ăn chăn nuôi xuống theo hình thức bình ổn giá, được áp dụng cho nhiều mặt hàng thiết yếu. Như đã trình bày ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi lệ thuộc 70% tới 80% nguyên liệu nhập khẩu như bắp, khô dầu đậu nành, bột cá và các chất đạm, vi khoáng gọi chung là thức ăn bổ sung.
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam nhận định:
“Nguyên liệu sản xuất trong nước lệ thuộc diện tích canh tác, chúng tôi phải giải quyết mâu thuẫn giữa cây lúa tức là lương thực cho người và việc trồng ngô sắn đỗ tương phục vụ chăn nuôi. Trong đó gặp khó khăn lớn là năng suất, nếu chỉ dùng cây thuần túy tự nhiên thì năng suất không thể cao được.
Chúng tôi có chiến lược gọi là cách mạng sinh học theo hướng đi vào các sản phẩm biến đổi gien, nhưng việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Bởi vì với kỹ thuật biến đổi gien phải trải qua qui trình đánh giá về độ an toàn cho sản phẩm, độ an toàn cho tự nhiên, cho nên nói nhiều nhưng làm không thể nhanh được.”
Giới chuyên gia dự báo trong thời gian sắp tới giá thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh cuộc khủng hoảng giá lương thực thế giới, một nguyên nhân nội tại của Việt Nam sẽ có tác động trong những ngày sắp tới, đó là việc giá điện và xăng dầu sẽ có thể được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.


Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 10/2 trích lời ông Nguyễn Tiến Thỏa Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết trong những tháng gần đây, Nhà nước và người tiêu dùng đã phải bỏ ra 11.000 tỷ đồng trong kế hoạch bình ổn giá xăng dầu, thông qua việc giảm thuế và sử dụng quỹ bình ổn giá để bù lỗ, cụ thể mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp lỗ từ 2.000đ tới 2.500đ tùy loại.
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, các thông tin cho thấy khả năng tăng giá xăng dầu đang được để ngỏ, mặc dù giới chức Bộ Tài chính trấn an rằng, trước mắt sẽ chưa tăng giá xăng dầu mà sẽ tiếp tục cho doanh nghiệp tăng sử dụng quỹ bình ổn giá.
Người chăn nuôi bên bờ vực phá sản sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Giải pháp lâu dài cho ngành chăn nuôi cần được các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp quan tâm. Đất nước làm ra 40 triệu tấn lúa mỗi năm, lẽ nào để cho công nghiệp thức ăn chăn nuôi của mình lệ thuộc hầu như toàn bộ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu năm này qua năm khác.

No comments:

Post a Comment