Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 8, 2011

25 người Thượng Tây Nguyên đã định cư tại Canada

Văn phòng Cao ủy tỵ nạn LHQ tại Campuchia mới đưa 25 người Thượng Tây Nguyên sang định cư tại Canada hôm thứ hai.
Cơ quan này sẽ tiếp tục đưa 25 người khác sang định cư ở Canada vào thứ tư, và 5 người khác sẽ được đưa sang định cư tại Hoa Kỳ vào ngày 14 hay 15 tháng 2 tới. Còn những người được cấp quy chế tỵ nạn, nhưng không chịu sang định cư ở Canada, thì Cao ủy tỵ nạn LHQ sẽ kết hợp với Bộ Nội Vụ Campuchia trục xuất họ cùng với những người chưa có quy chế về Việt Nam.
Có ít nhất 25 trong số 76 người Thượng đào thoát từ Tây Nguyên của Việt Nam sang Campuchia xin tỵ nạn đã nhận được quy chế định cư tại nước thứ 3, rời Campuchia vào lúc 8 giờ tối thứ hai, ngày 7 tháng 2 để sang định cư tại Canada và 25 người khác cũng sẽ rời Campuchia để sang định cư tại nước này vào lúc 8 giờ đêm ngày 9 tháng 2 năm 2011.

Vừa vui vừa buồn

Một người Thượng Tây Nguyên, quê quán ở tỉnh Gia Lai sang Campuchia để xin tỵ nạn trong năm 2004 vì gia đình cùng với nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên bị chính phủ Việt Nam kỳ thị sắc tộc, bị chính phủ đe dọa, đàn áp, bởi vì Chính phủ không muốn họ theo đạo Tin lành, đạo Thiên chúa. Ngoài ra, quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng đều bị hạn chế hay bị tước đoạt.
Bà Va Siu Glaih, người Thượng Tây Nguyên được cấp quy chế tỵ nạn từ Cơ quan Cao ủy tỵ nạn LHQ tại Campuchia cho Đài Á Châu Tự Do biết trước giờ xuất hành rằng, bà cùng với 24 người Thượng được Cơ quan Cao ủy tỵ nạn LHQ tại Campuchia đưa đi sân bay Quốc tế Phnom Penh vào lúc 4 giờ và 30 phút chiều thứ hai, ngày 7 tháng 2 năm 2011, và lên máy bay sang Canada lúc 8 giờ tối. Đa số người Thượng chạy thoát từ các tỉnh Gia La, Đắc Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắc Lắk từ năm 2001, và cũng có một số người mới sang tỵ nạn trong năm 2009.
Bà Va Siu Glaih bày tỏ với Đài Á Châu Tự Do rằng, cuộc sống ở Campuchia cũng khó khăn nhưng nếu như bị trục xuất về Việt Nam thì càng khó hơn. Khi bà đi tới nước thứ 3, bà sẽ xây dựng cuộc đời mới vì mọi cái đều mới hết, tuy nhiên bà nói rằng, có lẽ sống tại nước thứ 3 rất khó vì bà cũng như anh em người Thượng không biết ngoại ngữ, sợ không được gặp chồng và bà con ở Hoa Kỳ. Mặc dù, nhiều điều đều có thể xảy ra khi đến định cư tại Canada, nhưng bà nói rằng, nước thứ 3 có tự do hơn Việt Nam.
Bà Siu Glaih cho biết thêm, lý do quyết định phải sang định cư tại Canada, “Vì họ (UNHCR) nói không có con đường nào nữa. Một là phải trở về nước, hai là phải đi Canada…Ý của em là nếu như về Việt Nam thì hơi khó khăn, với lại mình bỏ nhà cửa 3-4 năm rồi. Nhà cửa chắc bị tan nát hết rồi, như vậy đành phải đi Canada.”
Còn ông Ksor Luân đào thóat từ tỉnh Đắc Lắk sang Campuchia để xin tỵ nạn vào năm 2005 và nhận được quy chế tỵ nạn từ Văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ nhiều năm nay cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều thứ ba, ngày 8 tháng 2 rằng, vừa qua ông rất lo sợ cho cuộc sống ở Campuchia vì chính phủ nước này có quan hệ mật thiết với Chính phủ Cộng sản Việt Nam. Ông nói rằng, ông cũng sẽ gặp khó khăn khi sang định cư tại Canada chính vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng ông hy vọng sẽ có nhiều người Việt từ vùng Tây Nguyên sống bên cạnh và cuộc sống của ông thế nào thì ông giao cho Chúa hành động. Ông Ksor Luân cho biết thêm:
“Người ta mới đi 25 người, ngày mai là đợt tụi em 25 người nữa. Vẫn đi Canada, đi một chỗ thôi…giờ chuẩn bị quần áo, đồ đạc, và gửi an ninh ở ngoài mua cho, vì tụi em không ra ngoài được. Ngày mai là tụi em đi, và cũng giống như anh em đi chiều hôm qua (7/2)… Nói chung là vừa vui vừa buồn. Vui là mình được ra khỏi nơi này, còn buồn là vì mình không biết nói tiếng người ta. Và một phần cũng hơi sợ vì mình đi tới bên kia (Canada) thì cuộc sống mình như thế nào mình chưa biết, giờ hơi lo một chút.”

Trở về VN có an toàn?

Ông Ksor Luân cho biết thêm, trong số nhóm người Thượng Tây Nguyên được văn phòng Cao ủy tỵ nạn LHQ cấp quy chế sang định cư tại Canada, thì có khoảng 9 người từ chối sang nước này vì họ cho rằng, vợ, chồng hay gia đình họ đang sống tại Mỹ. Họ buộc phải đồng ý ký tên trở về Việt Nam cùng với 14 người khác chưa được cấp quy chế vì họ không có sự lựa chọn. Ông Ksor Luân bày tỏ quan ngại nếu như người đó có liên quan đến hoạt động đấu tranh chống Chính phủ Việt Nam:

000_HKG2004072863182-250.jpg
Một nhóm dân tộc thiểu số người Thượng trốn sang Campuchia từ năm 2004. AFP photo
“Trước đây rất khó khăn, đôi khi họ bị đánh đập, đôi khi bị mời lên xã, huyện, và đôi khi bị bứt vô tù…tùy theo trường hợp của mình. Còn anh em khác thì vẫn bình thường thôi. Nói chung là tùy theo trường hợp của mình, nếu như mình dính líu đến chuyện chính trị thì cái đó nặng hơn, ở đâu cũng vậy.

Nếu như mình trở về, mình làm theo người ta, người ta biểu mình làm gì mình làm theo thì mới sống được. Người ta đánh mình cũng được, chửi mình cũng được. Còn trường hợp mình ngang ngang, ngược ngược với người ta thì có gì đi tù.”
Liên quan vấn đề này, Phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam Lê Minh Ngọc tại Campuchia nói rằng, Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực của đất nước còn hạn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đẩy đủ các quyền của người dân, dân cư sống phân tán trên các vùng miền với ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện sinh họat rất khác nhau. Những người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin…nên trình độ học vấn còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật, chính sách cũng như năng lực tuân thủ pháp luật còn hạn chế.
Ông Lê Minh Ngọc nói rằng, trường hợp một người Khmer Krom quê ở tỉnh An Giang bị bắt trước đây thì khác, bởi vì trước khi ông ấy sang Campuchia và Thái Lan để xin tỵ nạn, thì cơ quan cảnh sát huyện đã truy nã tìm bắt. Ông nói: “…còn mọi người thượng kia, khi họ trở về thì họ được pháp luật Việt Nam bảo vệ, chính phủ sẽ không làm khó dễ đối với họ. Đặc biệt tôi còn nghe thông tin các tỉnh ở Việt Nam có những cái tạo điều kiện như cấp đất đai cho những người đi bỏ để họ có điều kiện sinh sống.”
Mặc dù phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam khẳng định như vậy, nhưng ông Pen Bunna, nhân viên tổ chức nhân quyền ADHOC tại Campuchia bày tỏ lo ngại đến sự an toàn cho những người Thượng Tây Nguyên cho dù họ tự nguyện trở về Việt Nam.
Bởi vì trước đây có tin rằng, trong số 750 người Thượng sang tỵ nạn tại Campuchia bị trục xuất trở về nước đã bị công an Việt Nam đàn áp và bắt bỏ tù. Ông Pen Bunna mong muốn Chính phủ Việt Nam cởi mở để các tổ chức nhân quyền Quốc tế đến khảo sát tình hình nhân quyền người Thượng Tây Nguyên sau khi họ buộc phải hồi hương.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia tuyên bố rằng, Chính phủ Campuchia sẽ đóng cửa trại tỵ nạn người Thượng Tây Nguyện tại Thủ đô Phnom Penh vào ngày 15 tháng 2 năm 2011, đối với những người Thượng không được Cao ủy tỵ nạn LHQ cấp quy chế tỵ nạn, thì sẽ buộc phải hồi hương trở về Việt Nam, chính vì Việt Nam không còn chiến tranh, lại là một nước đang phát triển.

No comments:

Post a Comment